Bệnh đái tháo đường tăng mỗi năm
Y tế - Ngày đăng : 08:37, 19/11/2020
Khám sàng lọc để phát hiện bệnh đái tháo đường. |
Tỷ lệ mắc cao
Năm 2019, tổng số khám sàng lọc là 1.000 người tại 4 huyện gồm Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và La Gi thì phát hiện 81 người mắc mới bệnh đái tháo đường, chiếm 8,1% trong tổng số người khám sàng lọc. Năm 2020, chương trình khám sàng lọc tiếp tục thực hiện cho 1.267 người có yếu tố nguy cơ nằm trong độ tuổi 45 – 69 tại 6 xã. Với kết quả là 109 người mắc mới bệnh tiểu đường, chiếm tỷ lệ 8,6%; 239 người thuộc giai đoạn tiền đái tháo đường. Hiện nay, toàn tỉnh có 8.084 người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó số bệnh nhân đang được quản lý là 7.996 người.
Bác sĩ Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: Thông qua số liệu và khám sàng lọc, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cao. Số người mắc bệnh được phát hiện trong những năm gần đây có xu hướng tăng, đó là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thống kê, quản lý số người mắc bệnh đái tháo đường và khám sàng lọc cho nhóm người có yếu tố nguy cơ cao, nhưng số liệu trên vẫn chưa đầy đủ. Bởi nhiều bệnh nhân chưa được phát hiện hoặc khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân. Đáng lo ngại, 50% số trường hợp bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và 60-70% trường hợp chưa được điều trị đúng cách. Nếu phát hiện muộn hoặc kiểm soát đường huyết không tốt, người bệnh sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, suy thận, mù lòa… nặng hơn là tàn phế và tử vong.
Phải vận động phù hợp
Thực tế, sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người dân về bệnh này là khó khăn lớn nhất trong điều trị bệnh tiểu đường hiện nay. Nhiều người có nguy cơ mắc bệnh cao đã được cảnh báo nhưng cũng chưa thực sự quan tâm, thậm chí không ít người biết mình mắc bệnh mà không đi khám đều, tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc khi chưa có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Thêm vào đó, nhiều người mắc bệnh đái tháo đường không biết mình bị bệnh, gặp biến chứng rồi mới đi điều trị. Đơn cử ông Nguyễn Văn Khiên ở phường Hưng Long (TP. Phan Thiết), bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Phan Thiết, không biết mình mắc bệnh đái tháo đường, đến khi phát hiện thì có biến chứng. Ông Khiên cho biết: “Hàng ngày, tôi vẫn lao động bình thường nhưng tối đến thì mệt mỏi. Dù ăn uống rất nhiều, nhưng người cứ ốm và cảm nhận sức cứ yếu dần. Tôi đến bệnh viện khám, thì bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường và phải nhập viện do biến chứng sang phổi và khớp”.
Theo bác sĩ Hùng, người mắc bệnh đái tháo đường thường ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân. Ngoài ra, người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc, vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi… Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh có thể kiểm soát được lượng đường bằng cách thường xuyên theo dõi đường huyết, ăn uống hợp lý, vận động phù hợp, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Ngành y tế khuyến cáo người dân vận động thể lực, không hút thuốc, không uống rượu bia, khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần, để phát hiện sớm bệnh tiểu đường và cả các bệnh khác nếu có, điều trị sớm bao giờ cũng dễ dàng hơn. Mỗi người thay đổi nhỏ về lối sống hàng ngày có thể tạo nên những khác biệt lớn trong cuộc sống, giúp mỗi người khỏe mạnh hơn.
Trang Minh