Chị Hải – làm kinh tế giỏi
Đời sống - Ngày đăng : 09:21, 09/11/2021
Nhấc bổng từng bao cám, từng bao bắp đã ủ lên men, chị Hải đi dọc theo máng đổ cho đàn bò cả trăm con ăn. Chỉ vài phút, 10 bao thức ăn đã hoàn thành. Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng. Ăn sáng xong bắt đầu công việc dọn dẹp chuồng trại, thăm khám bò và cho bò ăn. Công việc nặng nhọc nhưng làm nhiều chị đã quen. Trước đây khi mới khởi điểm với nghề chị Hải chỉ nuôi vài con, sau đó tăng dần hàng năm. Thời điểm này, trong chuồng bò của gia đình chị đang có khoảng 100 con lớn nhỏ các loại như: bò Bô, bò Kem, bò Ba Bê. Mỗi ngày bò được cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều với thức ăn chính gồm cám thực phẩm, cỏ, rơm, bắp cây xay nhuyễn. Số tiền chi phí cho bò ăn mỗi ngày trên 2 triệu đồng. Ngoài mua bò về vỗ béo để bán bò thịt, chị Hải còn nuôi bò đẻ, bán bò giống cho người dân có nhu cầu nuôi bò sinh sản. Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, chị còn tự mày mò, học hỏi qua người thân về cách chích thuốc, truyền nước, đỡ đẻ cho bò… Khu vực chuồng trại khép kín, các chất thải được dọn dẹp sạch sẽ; nước thải được xử lý qua 3 hầm lắng lọc, hầm cuối cùng dùng để bón 5 sào ruộng trồng cỏ, trồng bắp của gia đình. Môi trường chăn nuôi cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Trước đây khi chưa có dịch Covid-19, thì cứ 5 - 7 ngày chị xuất bán 1 xe từ 10 - 15 con. Những tháng vừa qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kinh doanh mua bán bò cũng bị ảnh hưởng. Thời điểm này, việc chăn nuôi đã bắt đầu thuận lợi trở lại. Chị Hải vừa xuất đi TP. Phan Thiết 1 chuyến xe tải 15 con bò thịt với giá từ 25 - 30 triệu đồng mỗi con; đối với bò lớn 400 - 500 kg được bán với giá từ 40 - 50 triệu đồng. Song song với bán ra thì việc thu mua vào cũng tăng lên. Nhờ công việc thuận lợi, thu nhập ổn định, cuộc sống khá giả hơn, gia đình chị đầu tư mua 2 xe tải dùng để chuyên chở bò.
Chị Hải cho biết, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, chị từng bươn chải qua nhiều nghề như buôn điều, măng khô, phế liệu… Vất vả nhưng thu nhập cũng không đáng là bao. Khoảng 10 năm trở lại đây chị bén duyên với nghề nuôi bò. Những năm đầu gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm dẫn đến bò bệnh đau, thua lỗ đến mức phải bán cả nhà. Nhưng chị không nản tiếp tục kiên trì phấn đấu và đưa đến thành công như ngày hôm nay.
Chị Nguyễn Thị Thu Thuận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Huy Khiêm cho biết: Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, gia đình chị Hải còn rất tích cực tham gia các phong trào của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các phong trào khác của xã, cũng như giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn. Là huyện nông nghiệp, với tổng diện tích gieo trồng cây có hạt hàng năm khoảng 29.000 ha, sản lượng lương thực khoảng 188.000 tấn, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào; địa hình thuận lợi. Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi bò trên địa bàn Tánh Linh chủ yếu tại hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ. Hộ nuôi nhiều như chị Hải ở xã Huy Khiêm rất hiếm. Do vậy, chính quyền địa phương nên quan tâm tạo điều kiện cho các hộ như chị về quỹ đất để xây dựng chuồng trại quy mô hơn, đảm bảo vệ sinh môi trường và trồng cỏ ổn định nguồn thức ăn cho bò.
Ngọc Khánh