Phục hồi và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh mới

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 20/12/2021

BT- Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (LĐ) đã cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người LĐ. LĐ tuy có giảm thu nhập do tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhưng đã được nhận hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước; riêng các doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách hỗ trợ để giữ chân người LĐ.
Lao động làm việc tại Công ty may Thuận Tiến

 Thực trạng thị trường LĐ

Có thể thấy, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 514 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, có 175 doanh nghiệp giải thể và hàng ngàn hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ngành sản xuất may mặc, giày da, chế biến thủy hải sản… chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Thời gian qua, mặc dù một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện thỏa thuận với người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương (khoảng 30.000 người) nhưng phần lớn số LĐ này dự kiến sẽ quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động lại. Riêng đối với số LĐ ngoài tỉnh (số lượng này không nhiều) cũng không trở về quê trong thời gian ngừng việc, nghỉ việc. Vì vậy, tỉnh cơ bản không thiếu hụt LĐ khi phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Đối với doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 4.200 doanh nghiệp/85.000 LĐ, trong đó: Khu công nghiệp có 90 doanh nghiệp/11.000 LĐ; doanh nghiệp FDI có 61 doanh nghiệp/13.000 LĐ, tỉnh không có khu chế xuất. Dự kiến đến cuối năm 2021, có khoảng 80% doanh nghiệp phục hồi hoạt động/80.000 LĐ; trong quý I/2022 có 100% doanh nghiệp phục hồi hoạt động. Qua rà soát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thì tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ trong thời gian phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì số LĐ hiện có. Đồng thời có nhu cầu tuyển dụng LĐ bổ sung (khoảng 5.000 LĐ) nhưng về cơ bản không thiếu hụt nguồn LĐ cung ứng.

Riêng LĐ ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, LĐ tự do, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số LĐ trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến số lượng lớn LĐ tự do mất việc làm và có khả năng phải chuyển đổi nghề nghiệp. Qua nắm thông tin thị trường LĐ, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới cũng vẫn tập trung một số ngành, lĩnh vực như: Dệt may, da giày, du lịch - nhà hàng - khách sạn, chế biến thủy hải sản, xây dựng (dự kiến khoảng 5.000 LĐ). Nguồn tuyển dụng từ số LĐ tự do và số LĐ làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở về tỉnh.

 Nhiều giải pháp căn cơ

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để phục hồi và phát triển thị trường LĐ, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết và quyết định của Chính phủ; tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thị xã và thành phố để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định bổ sung đối tượng là LĐ tự do và LĐ đặc thù khác được hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên cho LĐ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, các doanh nghiệp có nhiều LĐ, cơ sở du lịch, ngư dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp, dịch vụ vận tải, các ngành hàng chủ lực của tỉnh… đảm bảo hoàn thành 100% vào cuối năm 2021.

Đồng thời, tập trung điều tra khảo sát, cập nhật nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng LĐ cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, phối hợp triển khai tốt công tác đào tạo, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo lại nguồn LĐ, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Song song, sở tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng nhu cầu và đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ và doanh nghiệp gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người LĐ. Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Mặt khác, ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm các đối tượng thanh niên nông thôn khởi nghiệp, các dự án trang trại, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết nhiều chỗ làm việc. Tiếp tục kiến nghị Trung ương bổ sung kinh phí giải quyết việc làm cho địa phương hàng năm để triển khai cho vay các chương trình, dự án của LĐ, trong đó có đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp... 

THU HÀ