Mỹ kết thúc sứ mệnh, Taliban tiếp quản Afghanistan và một tương lai bất định

Quốc tế - Ngày đăng : 15:02, 10/12/2021

Thách thức đối với Taliban

Gần 4 tháng trôi qua kể từ khi các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, giành quyền kiểm soát đất nước và chính thức xóa bỏ bộ máy nhà nước do dân bầu cử tồn tại gần 2 thập kỷ qua tại đây. Rất nhiều thay đổi đã diễn ra tại Afghanistan.

Trước tiên là chế độ chính trị và bộ máy nhà nước tại Afghanistan đã thay đổi hoàn toàn kể từ ngày 15/8. Taliban đã thay thế thể chế dân chủ và bộ máy nhà nước do dân bầu bằng một nhà nước mới với tên gọi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Nhà nước mới mang nặng tư tưởng Hồi giáo chính thống, và lấy Luật Hồi giáo Sharia là tiêu chuẩn cho mọi mối quan hệ xã hội dưới chế độ mới.

Phái đoàn Taliban tham dự hội đàm với chính phủ Afghanistan tại Doha ngày 12/8. Ảnh: AFP

Bất chấp các cam kết của Taliban về một chính phủ mới mang tính chất bao trùm, có đầy đủ đại diện của các nhóm sắc tộc thiểu số, bộ máy hành chính của Afghanistan vẫn là cơ cấu độc quyền của Taliban. Sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến chính phủ mới ở Afghanistan có các chính sách cứng rắn, hà khắc và có phần cực đoan theo quan niệm Hồi giáo chính thống.

Về an ninh, với việc Taliban lên cầm quyền, lực lượng này đã trở lại vị thế thống trị sau đúng 20 năm và lãnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đất nước. Nhưng không vì thế mà Afghanistan trở nên an toàn hơn. Việc liên quân nước ngoài do Mỹ dẫn đầu rút đi để lại những lỗ hổng an ninh lớn, khó bù đắp. Trong khi, các nhóm cực đoan và khủng bố vẫn còn đó, thậm chí còn nhiều không gian để mở rộng hoạt động hơn. Mối đe dọa lớn nhất là từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tỉnh Khorasan, đối thủ muốn giành giật lãnh thổ và ảnh hưởng với Taliban. Loạt vụ khủng bố đẫm máu mà IS nhận trách nhiệm trong 100 ngày qua cho thấy an ninh và sự ổn định tiếp tục là vấn đề lớn tại quốc gia Nam Á này.

Một thay đổi nữa cũng rất đáng chú ý. Đó là nền kinh tế Afghanistan đi từ chỗ xấu tới chỗ tồi tệ trong suốt quãng thời gian 4 tháng đã qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phát cảnh báo kinh tế Afghanistan sẽ suy giảm khoảng 30% trong những tháng tới. Afghanistan đang chuẩn bị đón một kịch bản mà Liên Hợp Quốc cảnh báo là tình trạng đói kém thảm khốc. Đây là sự cộng hưởng của một loạt các yếu tố như mất mùa, hạn hán, dịch bệnh liên miên, đi kèm với tình trạng chiến tranh và bất ổn an ninh kéo dài.

Sự trở lại của Taliban kèm theo bất ổn chính trị hậu chuyển giao gần như là “vết dao” mới khiến cho kinh tế đất nước này suy sụp. Không thể không nhắc tới việc kinh tế Afghanistan đi xuống cũng một phần lớn do một loạt các nhà tài trợ như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dừng các khoản viện trợ và hỗ trợ cho chế độ do Taliban lập ra tại Kabul. Khối tài sản trị giá 9 tỷ USD thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi ở các ngân hàng nước ngoài cũng đã bị Mỹ phong tỏa.  Vì kinh tế đình trệ và các khoản viện trợ nước ngoài bị cắt, khiến tình hình nhân đạo của người dân Afghanistan càng ngày càng trở nên tồi tệ.

Cuối cùng, các quyền cơ bản của phụ nữ và các nhóm thiểu số trong xã hội Afghanistan gần như đã bị đảo chiều kể từ khi Taliban nắm quyền. Phụ nữ được yêu cầu làm việc tại nhà, phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn theo Luật Hồi giáo. Còn trẻ em gái Afghanistan vẫn chưa được tới trường và chưa biết tới khi nào mới được hưởng các quyền của mình. Nhìn chung, cuộc sống tại Afghanistan đã tiến hóa theo hướng tiêu cực hơn kể từ khi Taliban trở lại.

Khả năng Taliban nhận được sự ủng hộ quốc tế

Kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, mong ước lớn nhất của Taliban là nhận được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Trong quãng 4 tháng qua, người ta chứng kiến các quan chức ngoại giao của Taliban tích cực tiếp cận và thuyết phục các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu là tìm kiếm khả năng đối thoại và xây dựng hình ảnh với thế giới bên ngoài. Thế giới cũng muốn tiếp xúc nhiều hơn với Taliban. Đại diện của ít nhất 6 quốc gia cũng đã tới Kabul để trực tiếp làm việc với chính phủ do Hebatullah Akhundzada, lãnh tụ Tối cao của Taliban đứng đầu. Trong 100 ngày qua, đã có 6 hội nghị ở quy mô khu vực và quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan được tổ chức.  

Bất chấp các kỳ vọng của Taliban, việc công nhận thể chế được lập ra ở Kabul sau ngày 15/8 vẫn không hề được đề cập trong bất cứ cuộc thảo luận nào. Các hội nghị quốc tế tập trung và nhấn mạnh chủ yếu vào các chủ đề khác như việc thành lập chính phủ bao trùm, nhân quyền, tự do biểu đạt, quyền giáo dục và vấn đề việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, cũng như làm sao để Afghanistan không trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố và nổi loạn.

Vấn đề là Taliban chưa chứng minh được cho thế giới thấy họ đã khác. Họ đã tôn trọng các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, từ bỏ bạo lực và khủng bố và các quan điểm cực đoan. Con đường để tới được sự thừa nhận của thế giới với Taliban còn rất dài. Thế giới vẫn đang chờ xem họ sẽ làm gì tiếp theo.

Tương lai bất định của Afghanistan

Tương lai của Afghanistan chắc chắn sẽ rất khắc nghiệt và khó khăn, đặc biệt là dưới sự cai trị của Taliban. Trước hết là một thảm họa nhân đạo đang tới gần với người dân nước này, khi mà Taliban thiếu cả kinh nghiệm lẫn nguồn lực để có thể đảm đương vai trò điều hành đất nước. Thứ hai, Taliban hiện vẫn đang đánh vật với việc định hình một đất nước dưới sự lãnh đạo của mình. Hiện Taliban vẫn đang nghiên cứu xây dựng một bản Hiến pháp mới. Chưa rõ lực lượng này sẽ đi theo mô hình nhà nước như thế nào, vai trò của Hồi giáo và các cơ chế dân chủ sẽ ra sao, cũng như quyền cơ bản của người dân sẽ đứng ở đâu. Nhìn chung, mọi thứ còn khá mờ nhạt với đất nước này.

Tương lai an ninh của Afghanistan sẽ quyết định năng lực, và bản chất của nhà nước do Taliban quản lý. Có nhiều khả năng, với những diễn biến như hiện tại, Afghanistan sẽ là nơi để các tổ chức khủng bố tìm đến và tập hợp lực lượng.

Nếu Taliban không thể tổ chức được bộ máy an ninh đồng bộ và chính quy từ trung ương tới địa phương, không thể chặt gẫy các mầm mống của khủng bố ngay từ bây giờ, họ sẽ thất bại trong cam kết tiệt trừ khủng bố. Nếu nền kinh tế Afghanistan còn suy sụp trong khi ngành công nghiệp trồng thuốc phiện và sản xuất ma túy còn phát triển, Afghanistan sẽ vẫn còn điều kiện thuận lợi cho khủng bố. Nhưng cộng đồng quốc tế cũng không thể đứng ngoài trong câu chuyện này. Muốn ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, Taliban không thể một mình làm được việc đó mà cần sự giúp đỡ của bên ngoài.

Phan Tùng/VOV