Người mẹ hiền của những đứa trẻ dân tộc Rai
Cuộc thi "HOA HỌC ĐƯỜNG" - Ngày đăng : 08:56, 24/03/2018
Nặng lòng với học sinh dân tộc
Tiếp xúc với cô giáo Minh bất kể người khó tính cũng có cảm tình ngay vì sự nhẹ nhàng trong từng lời nói, cử chỉ. Chúng tôi thầm nghĩ đây chính là tính cách đầu tiên mà một cô giáo mầm non cần phải có.
Trường mẫu giáo Tân Hà có hàng trăm em học sinh dân tộc Rai. Các em cùng độ tuổi được học chung với nhau một lớp tại thôn Suối Máu. Trước đây, cuộc sống của những hộ dân nơi đây rất nghèo, điều kiện sinh hoạt vẫn còn lạc hậu nên học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn. Có em dù mới 4-5 tuổi nhưng đã tự đi bộ đến trường vì ba mẹ bận đi làm rẫy. Những ngày trời mưa, chân tay trẻ lấm lem bùn đất. Giáo viên dạy nơi đây luôn phải để sẵn thau nước sạch, dăm bộ đồ (đồ cũ các cô đi xin để thay cho trẻ khi cần). Đón trẻ ở cửa lớp, cô Minh dẫn từng em đến bên thau nước để rửa tay chân mặt mũi. Một số em do cha mẹ ít quan tâm nên đến trường vẫn mặc luôn bộ đồ ngày hôm trước. Mùi hôi khai nồng bốc lên. Thế là cô và đồng nghiệp của mình còn có thêm nhiệm vụ ôm các bé để kiểm tra và thay đồ cho chúng.
Cô Minh chia sẻ “vài ba tháng đầu các cô phải tăng cường dạy trẻ một số kĩ năng sống cơ bản nhất. Từ việc biết cách ngồi nhà vệ sinh có bồn cầu, cách lau chùi cho sạch (nhiều em không biết ngồi nhà vệ sinh vì quen đi trên bãi cát và ven suối). Đến việc ăn ở cho gọn gàng, sắp xếp đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định…đã vô cùng mệt mỏi. Cô Minh cho biết “nếu giáo viên không chịu khó sẽ chẳng bao giờ làm được vì phải thường xuyên theo sát các em để bày biểu mọi lúc, mọi nơi”.
Ngoài việc chăm lo hết lòng cho các em học sinh, trong việc giảng dạy cô luôn sáng tạo để sử dụng những phương pháp tốt nhất mang đến hiệu quả cao. Như việc cô cùng đồng nghiệp tranh thủ giờ rảnh để cặm cụi làm đồ chơi cho các em học và giải trí. Thời gian trên trường không đủ, cô về nhà thức đến tận khuya để hoàn thành sản phẩm. Hàng trăm bộ đồ chơi đẹp mắt được ra đời giúp cho việc học, việc chơi của các em nhiều hiệu quả. Việc ăn trưa của trẻ cũng là điều cô và đồng nghiệp của mình quan tâm, trăn trở nhiều nhất. Cô liên hệ với một số mạnh thường quân xin tài trợ, góp một số tiền nhỏ trong chế độ dạy trẻ dân tộc của mình để cho bữa ăn của các bé thêm chất và những bữa lở các em cũng được uống thêm sữa.
Buổi trưa đi ngủ, cô thường nằm giữa để trò nằm hai bên. Và những câu chuyện được giọng trầm ấm cất lên khi thủ thỉ, lúc như tâm tình. Trẻ được nghe và được hướng cách cảm nhận để rút ra bài học cho mình.
Dạy học không cần đòn roi nhưng đứa trẻ nào cũng ngoan, cũng yêu cô hết lòng. Có những lần cô nghỉ bệnh, khi đến trường các bé đứng xúm xít vòng trong vòng ngoài tíu tít hỏi “cô ơi! Cô bị bệnh à? Sao cô lâu về thế?” Có em nói lớn “con nhớ cô! Con chỉ thích học với cô thôi”.
Không chỉ dạy trẻ, cô Lệ Minh nói rằng khá nhiều phụ nữ nơi đây kĩ năng chăm sóc con còn yếu. Thế nên cứ mỗi chiều giao cháu, cô đều dặn dò phụ huynh một cách cẩn thận.
Chật vật với cuộc sống gia đình
Suốt cả ngày quay quắt trên trường với đàn em nhỏ, bao tâm huyết nhiệt thành cũng dồn vào đó. Thế nhưng mỗi khi tan trường, thay vì được nghỉ ngơi dưỡng sức cho ngày làm việc tiếp, cô lại tất tả với nỗi lo cơm áo gạo tiền của gia đình.
Với đồng lương giáo viên mẫu giáo quá thấp, chồng cô không có việc làm ổn định, con cái lại đau yếu liên miên. Người anh trai bị phát bệnh tâm thần mà không có người chăm sóc. Để gồng gánh cả gia đình, cô vay vốn để chăn nuôi gà, heo. Bao vốn liếng, công sức dồn vào đấy nhưng gần đến ngày thu hoạch gà bị H5N1 còn heo bị dịch tai xanh. Heo gà bị tiêu hủy, tiền nợ ngân hàng ngày một nhiều thêm.
Có lẻ do làm lụng quá vất vả để chèo chống gia đình, sức khỏe của cô cũng xuống trầm trọng. Căn bệnh tiểu đường biến chứng cứ hành hạ bao năm. Một cánh tay có nguy cơ liệt, đôi mắt có triệu chứng mờ dần, các khớp chân tay sưng phồng mỗi khi trở trời…
Cho dù thế, những khó khăn vất vã không thể quật ngã cô. Cô Minh tâm sự “tình yêu nghề chính là động lực giúp cô vượt qua tất cả những khó khăn thử thách trong cuộc sống”.
Phan Tuyết