Thận trọng với thuốc gia truyền bán qua mạng

Ý kiến bạn đọc - Ngày đăng : 10:18, 25/10/2016

BT- “Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của những người mắc bệnh lâu ngày, thậm chí là bệnh nan y với mong muốn được điều trị khỏi bệnh. Nắm bắt nhu cầu trên, nhiều bài thuốc gia truyền đặc trị bệnh đang được bày bán công khai trên mạng như hiện nay…
Ảnh minh họa

Tôi có cô bạn gái mấy tháng nay mặt nổi mụn rất nhiều, nên rất tự ti khi ra ngoài. Đã điều trị bằng nhiều loại thuốc tây y không bớt, mới đây cô ấy quyết định điều trị bằng đông y, theo lời giới thiệu của một chuyên trang thuốc trị mụn gia truyền đang được quảng cáo trên facebook và internet, với hy vọng “xóa sạch mụn và phục hồi lại làn da như ban đầu”. Chẳng biết cuối cùng có mang lại kết quả mỹ mãn như lời giới thiệu hay không, nhưng mấy ngày gần đây da mặt cô bạn sưng tấy lên, đỏ, bong vẩy. Liên hệ với người bán thì họ bảo đó là biểu hiện bình thường khi dùng thuốc. Theo lời quảng cáo, loại thuốc gia truyền này chính là rễ cây mật gấu ngâm cùng 1/4 lít rượu gạo nguyên chất tạo thành một chất bôi lên da mặt có tác dụng “siêu tổng hợp”, vừa trị mụn bọc vừa trị nám da, lang ben, làm se khít lỗ chân lông… Và bất cứ ai cũng có thể sử dụng loại rượu làm đẹp da này, không phân biệt triệu chứng.

Bác sĩ Cao Đức Cường- Giám đốc Bệnh viên Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Phương pháp chữa bệnh bằng thuốc đông y đòi hỏi người bệnh phải đến tận nơi để bắt mạch, thăm khám mới chẩn đoán được bệnh. Nhiều người cho rằng thuốc bắc, thuốc đông y được bào chế từ các loại cỏ cây, hoa lá tự nhiên, không chữa được bệnh thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên tùy ý sử dụng là cách hiểu không đúng. Thông thường đông dược có tác dụng khá chậm, nhưng nếu trộn thêm các chất tân dược như corticoid sẽ có hiệu quả nhanh chóng nên gây hiểu lầm cho người sử dụng là thuốc mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, những loại thuốc này nếu dùng lâu dài, quá liều sẽ rất nguy hiểm, nhẹ thì bị phù thận, suy thận, loãng xương, đau dạ dày, nặng thì xuất huyết tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

 “Hiện nay, thuốc y học cổ truyền lưu hành chủ yếu do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép. Vì vậy người sử dụng không nên quá tin tưởng vào những  quảng cáo hay lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng. Khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện chuyên khoa đông y để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc để tránh “tiền mất, tật mang””, bác sĩ Cường khuyến cáo.

T.A