Chưa đủ nguồn điện để cấp 100% công suất các trạm biến áp
Đi, thấy và viết - Ngày đăng : 10:23, 07/12/2016
Vận động người trồng thanh long sử dụng 100% bóng đèn tiết kiệm điện. |
Qua tìm hiểu vấn đề nêu trên chúng tôi được biết: Giai đoạn từ năm 2005 đến 2011 phụ tải chong đèn thanh long tăng đột biến, trong khi quy hoạch phát triển lưới điện của Bình Thuận giai đoạn này không dự trù cấp điện phụ tải cho thanh long. Do vậy, hệ thống điện liên tục bị tình trạng quá tải. Từ năm 2012 Công ty Điện lực Bình Thuận được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện phương thức cung cấp điện tiết giảm 50% công suất trạm biến áp chong đèn thanh long để bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, cân bằng công suất; đáp ứng cho phát triển các phụ tải khác và bảo đảm cung cấp điện công bằng cho các phụ tải chong đèn thanh long. Mặt khác, cùng với phương thức tiết giảm 50% công suất trạm biến áp phục vụ thanh long, Công ty Điện lực Bình Thuận đã thực hiện đề án đầu tư nâng cấp hệ thống điện lưới giai đoạn từ năm 2013-2015 để đáp ứng cung cấp điện cho thanh long theo quy hoạch diện tích thanh long đến năm 2015 là 15.000 ha. Tổng số vốn đầu tư hệ thống điện giai đoạn này hơn 1.685 tỷ đồng với mục đích chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ chong đèn thanh long.
Trong năm 2016 ngành điện tiếp tục triển khai xây dựng đường dây 110KV Hàm Liêm -Tân Thành; lập trạm biến áp 110 KV Tân Thành 63 MVA; nâng công suất trạm biến áp 110 KV Ma Lâm từ 63 MVA lên 126 MVA và đầu tư đồng bộ lưới điện 22KV với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng. Song, do diện tích cây thanh long phát triển tại các địa phương vượt quy hoạch quá lớn (trên 60%) nên dù ngành điện đã đầu tư vượt quy hoạch phát triển hệ thống điện của tỉnh giai đoạn 2011-2015 ở cả 3 cấp điện áp (220KV, 110KV và 22 KV) nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phần diện tích thanh long vượt quy hoạch.
Để khắc phục việc thiếu điện, ngành điện đã phối hợp với các ngành, địa phương nỗ lực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện (bóng compact) thay cho bóng đèn sợi đốt để chong đèn thanh long. Việc tiết kiệm điện đã mang lại hiệu quả rõ nét. Các hộ sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện đạt hiệu quả sản xuất tương đương với bóng đèn sợi đốt, nhưng chi phí tiền điện giảm khoảng 2/3; bảo đảm đủ điện để chong đèn thanh long và không bị thu hẹp diện tích sản xuất thanh long. Mặt khác, nguồn điện ổn định người dân chủ động được kế hoạch chong đèn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 30% số hộ trồng thanh long vẫn sử dụng bóng đèn sợi đốt hao phí điện lớn và chi phí tiền điện cao.
Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 diện tích thanh long sẽ tăng lên 30.000 ha, Công ty Điện lực Bình Thuận đã lập đề án đầu tư để đáp ứng điện cho thanh long giai đoạn 2016 - 2020. Song, do khối lượng đầu tư lớn và nhu cầu vốn quá lớn (khoảng 3.000 tỷ đồng), do đó phải cân đối nguồn vốn và phân kỳ để thực hiện đầu tư. Đồng thời, tiếp tục vận động người dân chuyển đổi sử dụng 100% bóng đèn tiết kiệm điện thay cho bóng đèn sợi đốt và luân canh, rải vụ chong đèn thanh long để bảo đảm cung cấp đủ điện cho diện tích thanh long đã quy hoạch.
Như vậy, do diện tích thanh long vượt quy hoạch quá lớn nên ngành điện tuy có nhiều nỗ lực đầu tư bám đuổi sự phát triển diện tích thanh long, nhưng chưa thể đáp ứng đầy đủ ngay cùng lúc được mà cần có thời gian. Theo Văn bản 544 của UBND tỉnh thì trường hợp khách hàng có trạm biến áp hiện hữu có nhu cầu phát triển thanh long mới tại khu vực có thể dùng chung trạm biến áp hiện hữu, nếu cam kết sử dụng 100% bóng đèn compact chong đèn… ngành điện sẽ đáp ứng 100% nhu cầu điện trong khả năng của trạm biến áp hiện hữu.
Lê Thanh