Trồng rau không sử dụng phân hóa học – Tại sao không?
Kinh tế - Ngày đăng : 09:48, 22/05/2017
Vùng trồng rau xanh tại Phú Long (Hàm Thuận Bắc). |
Chi phí thấp
Nhiều nông dân tại các tỉnh đã và đang có cách làm sáng tạo là sử dụng tỏi, ớt, gừng, rượu, cám gạo... phòng trừ được các loại sâu, côn trùng gây hại, không ảnh hưởng tới thiên địch. Tận dụng phế thải nông nghiệp như lục bình, cỏ dại, các loại rác thải hữu cơ từ các chợ để làm phân bón nâng độ phì cho đất. Cây vẫn sinh trưởng tốt, lá xanh, sản lượng cao như các ruộng rau sử dụng phân thuốc hóa học. Cụ thể, cứ trồng 1 sào rau xanh cần 500 – 1.000 kg phân chuồng gồm phân bò, gà, vịt, cút… với giá khoảng 800 - 1.000 đồng/kg. 3kg ớt, tỏi, gừng băm nhỏ trộn với 3 lít rượu, ngâm trong khoảng 15 ngày nhằm tạo ra dung dịch diệt trừ sâu bọ và côn trùng hại, với giá khoảng 300.000 đồng. Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ớt với 12 lít nước. Như vậy tổng chi phí phân thuốc cho 1 sào rau khoảng 1,1 – 1,3 triệu đồng.
Trong khi đó, những hộ trồng rau Phú Long (Hàm Thuận Bắc) chi phí phân hóa học thuốc bảo vệ thực vật cho 1 sào rau khoảng 2,5 - 3 triệu đồng. Rau húng, bông lơ khó trồng hơn, nhiều sâu hại nên đầu tư phân thuốc nhiều hơn. Nếu thời tiết bất thường sâu nở nhiều thì phải phun thuốc cao hơn, nghĩa tăng thêm chi phí sản xuất. Song, sử dụng quá nhiều phân thuốc vô cơ nên đất trở nên chai cứng, thoái hóa, môi trường ô nhiễm; chưa kể sau thu hoạch sản phẩm còn tồn dư chất hóa học.
Vậy trồng 1 sào rau bằng sử dụng thảo dược diệt trừ sâu hại, phân chuồng các phế thải nông nghiệp chi phí thấp hơn 50 – 60% so với sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học bảo vệ thực vật. Đặc biệt, không những giảm được giá thành sản phẩm mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người trồng và người tiêu thụ.
Thiếu hướng dẫn
Từ nguồn thông tin nông dân các tỉnh bạn thực hiện rau an toàn bằng phân hữu cơ, dùng thảo dược trừ sâu bệnh, tại sao Hội Nông dân thị trấn Phú Long không học tập, thí điểm cách làm trên?
Trao đổi với người viết, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Long Võ Quang Minh cho biết: “Chúng tôi mập mờ về thông tin với cách phòng trừ sâu hại từ thảo dược, cũng như chưa có sự hướng dẫn từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Nếu tổ chức đi học tập ở những nơi trên, chúng tôi không có kinh phí tổ chức. Hiện nay, Phú Long có tổ sản xuất rau an toàn. Mặc dù doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua rau an toàn, nhưng nông dân Phú Long chưa làm được. Bởi doanh nghiệp chưa đưa ra yêu cầu cụ thể tên loại rau và số lượng”.
Theo bà Võ Thị Hường và một số nông dân khác tại Phú Long, người trồng rau hiện đang sử dụng phân cút, bò, gà thay dần cho phân hóa học. Đồng thời, mong muốn được sử dụng những thảo dược phòng sâu hại nhằm hạn chế người trồng tiếp xúc hóa chất độc hại. Nếu như có sự hướng dẫn từ hội nông dân hoặc tổ chức, người trồng rau sẽ ứng dụng ngay.
Phát huy nội lực
Với cách trồng rau không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu bằng sáng chế dùng thảo dược từ dung dịch tỏi, ớt, rượu… để đuổi sâu và côn trùng, làm ra rau sạch hoàn toàn theo đúng tiêu chuẩn mà nông nghiệp hiện đại gọi là sản xuất rau hữu cơ. Đây là cách trồng rau quay về với phương pháp truyền thống cũ. Nghĩa là cách làm nông nghiệp hữu cơ ngày nay có sự tương đồng lớn với cách làm nông nghiệp của người Việt Nam từ thế kỷ 20 trước đó. Được biết, Việt Nam có khoảng 99% diện tích canh tác theo phương pháp hóa học, chỉ số ít còn lại trồng theo phương pháp hữu cơ.
Ngay cả Bình Thuận chưa có mô hình sản xuất rau hữu cơ, chỉ có những tổ sản xuất rau an toàn. Người trồng tự phun thuốc cách ly đúng theo hướng dẫn của mỗi loại thuốc. Tuy nhiên, người tiêu thụ cũng hoài nghi, điều gì đảm bảo nông dân trồng rau thực hiện đúng và trung thực trong quá trình trồng rau. Vì thế, vùng trồng rau, củ, quả… tại Bình Thuận nên phát huy nội lực nghiên cứu, làm thí điểm, phổ biến cách làm hữu cơ để người trồng không lạm dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần cung cấp cho thị trường nông sản sạch, an toàn bền vững.
Trang Minh