Phát triển kinh tế biển gắn bảo vệ chủ quyền

Kinh tế - Ngày đăng : 09:12, 04/07/2017

Ưu tiên phát triển kinh tế biển

BT- Trong vùng biển Đông, ngư dân Việt Nam từ ngàn đời nay đã làm chủ nhiều quần đảo và khai thác nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển đó. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam cùng với tất cả các nước trong khu vực đã tham gia vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam hoàn toàn tôn trọng các điều khoản đã ký tại công ước này trên toàn bộ diện tích biển Đông 3,5 triệu km2, trong đó theo công ước, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên 1 triệu km2. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT) nhấn mạnh, cơ sở pháp lý trên để hình thành “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó xác định đến năm 2020, kinh tế biển, ven biển đóng góp từ 53 - 55% tổng GDP cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so thu nhập bình quân chung cả nước. Đi cùng với đó, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, có cơ chế tín dụng ưu đãi cho ngư dân đánh bắt xa bờ đóng tàu vỏ thép, lãi suất vay 3% trong thời gian 10 năm, người vay được thế chấp bằng thân tàu, nếu xảy ra rủi ro Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ (Nghị định 67). Tính đến cuối tháng 5/2017, có 27/28 tỉnh, thành ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp 2.018 tàu. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 9.544 tỷ đồng; (trong đó, Bình Thuận đã cam kết cho vay gần 500 tỷ đồng, đóng mới, nâng cấp hơn 160 chiếc). Bên cạnh, tàu nằm trong chương trình 67, chủ tàu còn được vay vốn lưu động, hỗ trợ bảo hiểm… Trước đó, một số chương trình dự án khác cũng được triển khai như: Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi; triển khai thực hiện chính sách theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa… Với sự hỗ trợ của Nhà nước, vươn khơi bám biển của ngư dân, tính đến cuối năm qua, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD. So với năm trước, tổng sản lượng tăng 2,5 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5%...

Được biết, cả nước có 33.500 tàu cá xa bờ, trong đó tàu khai thác hải sản xa bờ 31.400 chiếc trên tổng số 109.000 tàu cá thủy sản, chiếm gần 29% số lượng tàu thuyền. Trong khi đó, diện tích vùng biển xa bờ trên 700.000km2, chiếm trên 70% diện tích vùng biển. Có thể nói, hoạt động khai thác xa bờ của hàng trăm ngàn ngư dân đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.    

Khẳng định chủ quyền quốc gia

Tại hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường, ngư dân, ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước chủ trương chiến lược phát triển kinh tế biển kết hợp tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển phù hợp tư duy mới về biển, đại dương. Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng, an ninh biển cho toàn dân, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Hoạt động ngoại giao cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, hiệu quả của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông có lợi cho hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân trên vùng biển, đảo Tổ quốc. Các lực lượng chuyên trách được kiện toàn, từng bước thực hiện quản lý nhà nước trên các vùng biển, thông qua việc xây dựng các lực lượng, phương tiện để chỉ huy điều hành cứu hộ cứu nạn trên biển. Như hệ thống cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển. Nâng cao năng lực quản lý về biển, đảo của chính quyền các huyện đảo, xã đảo để phát triển mạnh kinh tế, xã hội kết hợp bố trí dân cư, tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.

T.Khoa