Phú Quý: Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm

Kinh tế - Ngày đăng : 08:27, 12/07/2017

BT- Gần đây tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm đặc biệt hải sản đã bắt đầu nhen nhóm ở Phú Quý. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trên đảo mà còn có nguy cơ ảnh hưởng hoạt động thu hút du lịch tại địa phương. Để khắc phục, huyện Phú Quý đang đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
                
Phú Quý vận động người dân không sử dụng hóa    chất độc hại trong nuôi thủy sản.

Thời gian gần đây, khi việc thông thương giữa đảo Phú Quý với đất liền trở lên thuận lợi, đã tạo điều kiện cho ngành du lịch của địa phương ngày càng phát triển. Số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên đảo tăng dần qua hàng năm. Bên cạnh nét đẹp tự nhiên vốn có, Phú Quý còn hút khách bởi đồ biển tươi ngon. Khi rời đảo, hầu hết khách du lịch đều có nhu cầu mang về một ít  hải sản để làm quà. Hải sản là sản phẩm lợi thế của Phú Quý, bởi nó không chỉ đóng góp chính cho kim ngạch xuất khẩu của địa phương mà còn là thế mạnh thu hút khách du lịch đến với đảo.

Một lãnh đạo huyện Phú Quý cho biết, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP, không kinh doanh và sử dụng chất cấm, chất độc hại trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khuyến khích đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu và nhân rộng mô hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nuôi trồng và khai thác nông - thủy sản an toàn, cửa hàng thực phẩm sạch tại các chợ, khu dân cư. Thực hiện tốt công tác chứng nhận đủ điều kiện về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và vai trò giám sát của tổ tự quản, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP và chủ động phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, cảnh báo kịp thời các thực phẩm có nguy cơ mất vệ sinh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, chất kích thích, hóa chất độc hại,… trong nuôi trồng, bảo quản, sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học… 

Đình Nhượng