Cuộc đối đầu lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968

Chính trị - Ngày đăng : 08:34, 27/01/2018

Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

Điểm sáng lịch sử

Ôn lại lịch sử, hiểu biết hiện tại và hướng đến tương lai là rất cần thiết đối với tiếp nối lịch sử oai hùng của dân tộc. Trong lịch sử chiến tranh cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc có nhiều điểm sáng đáng trân trọng, ghi nhớ và suy ngẫm để vừa định hướng, vừa tạo động lực tinh thần cho các thế hệ hôm nay. Và một trong những điểm sáng ấy là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968”.

Trong chiến tranh luôn bắt buộc mỗi bên phải liên tục cố gắng để thực hiện mục đích chính trị, mục tiêu chiến tranh. Với chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ và chính quyền Sài Gòn không còn hí hửng, khuếch trương về sức mạnh quân sự nữa. Chúng buộc phải thay đổi bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ” vào năm 1967 để cứu vãn tình thế.

                
      
      Máy bay vận tải C.119    của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (2/1968).    Ảnh: Tư liệu TTXGP

Thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã huy động quân của nhiều nước đồng minh như: (Nam Triều Tiên, Australia, New Zealand, Thái Lan, Philippines…) với khoản tài chính lớn cùng với phương tiện, vũ khí khổng lồ. Đồng thời tiến hành mở rộng “không gian” chiến tranh ra miền Bắc bằng lực lượng không quân, lập lại thế làm chủ ở chiến trường miền Nam và với hy vọng như: đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17, đè bẹp ý chí giải phóng dân tộc của quân và dân ta, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi vào đàm phán theo áp đặt ý đồ của Mỹ.

Đối lập với âm mưu, thủ đoạn và hành vi ấy, là ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn nhân dân, toàn quân ta với sức mạnh tổng hợp của truyền thống và hiện đại; của dân tộc và thời đại; của cả thế và lực... Tiến trình phát triển tất yếu diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

50 năm qua, kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra đến nay đã có những nhận định, đánh giá khác nhau. Dù tiếp cận ở góc độ nào thì những nội dung có giá trị nổi bật nhất vẫn ở các vấn đề sau:

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là cuộc đụng đầu lịch sử lớn nhất trong đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nó là đòn quyết định nhất mở đầu cho quá trình bắt buộc Mỹ phải bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, rút khỏi miền Nam Việt Nam và tiến tới kết thúc chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là biểu hiện cao nhất sự đối đầu lịch sử giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng “tầm thế giới” ở một không gian, thời gian cụ thể là chiến trường miền Nam Việt Nam. Đại diện cho phía phản cách mạng là Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, còn đại diện cho cách mạng, chính nghĩa là toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tính cách đối đầu ấy, cho nên tính chất quyết liệt, một mất, một còn rất cao và kết quả là: làm thất bại hoàn toàn chiến lược, ý đồ, mục tiêu của Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” mà chúng đầy hy vọng.

Sự kiện này đã làm rung chuyển toàn bộ nước Mỹ và trấn động thế giới; làm cho giới chóp bu của Mỹ phải thay đổi nhận thức, đánh giá, và tìm cách rút khỏi miền Nam Việt Nam bằng các phương kế khác. Rằng chúng phải thừa nhận: trên thực tế không thể thắng được quân sự ở miền Nam Việt Nam. Buộc Mỹ phải dừng ném bom miền Bắc; chấp nhận ngồi vào bàn đám phán có lợi thế cho ta trên Hội nghị Paris về Việt Nam.

Kiểu mẫu về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là sự đấu trí cao nhất về tư duy chỉ đạo “nghệ thuật quân sự” giữa Mỹ và Đảng ta ở chiến trường miền Nam Việt Nam, giữa một bên đại diện cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam với một bên là nền nghệ thuật quân sự của Mỹ. Giá trị của nghệ thuật chiến tranh nhân dân được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam.

Trước chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Bộ Chính trị đã có chủ trương: “Phải tìm cách đánh mới khác với cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các cơ quan đầu não các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam”.

Cùng với các công tác chuẩn bị lực lượng là bảo đảm được bí mật, yếu tố bất ngờ, sự nghi binh đánh lừa địch khôn khéo là cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa với sự tham gia của toàn bộ các lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ tranh ba thứ quân; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chính quy, kết hợp đánh lớn với vừa và nhỏ; thể hiện đánh địch bằng mưu cao, thế hiểm.

Với tính chất tổng khởi nghĩa, tổng tiến công, tổng lực, tổng công kích…,đánh vào chỗ địch không ngờ, vào sào huyệt làm chúng thất điên, bát đảo. Điều đó phản ánh trình độ tư duy, trí tuệ của Đảng ta rất cao trong chỉ đạo chiến tranh. Có thể thấy, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là kiểu mẫu về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng; chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong đối phó, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. 

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân năm 1968 tiếp tục minh chứng một chân lý thời đại là: sức mạnh chiến đấu của một quân đội dù có tinh nhuệ, thiện chiến đến đâu, nhưng khó có thể chiến thắng sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc đoàn kết, đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 góp một phần quan trọng vào tô thắm truyền thống: "lấy ít địch nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn" của dân tộc ta.

Trong bối cảnh tương quan so sánh  lực lượng giữa quân đội viễn chinh Mỹ, chư hầu, quân đội Việt Nam Cộng hòa với Quân giải phóng miền Nam có sự khác biệt, chênh lệch khá lớn, nhưng với nền tảng nghệ thuật chiến tranh nhân dân truyền thống và với sự dụng linh hoạt, sáng tạo của Đảng thì vẫn tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn và đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Nó là khâu có tính chất “đột phá căn bản” cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng miền Nam. Trong đó nổi bật nhất là thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973) và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

50 năm đã qua đi, nhưng tinh thần bất diệt của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn còn vang dội, sống động cùng dân tộc và trong tư tưởng nhân loại, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Giá trị cũng như ý nghĩa thời đại của nó bền vững cùng lịch sử. Tưởng nhớ và biết ơn những đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 để suy ngẫm trong hiện tại và hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc.

Sự cống hiến, hy sinh ấy luôn là động lực tinh thần to lớn cho các lớp thế hệ hôm nay có quyền tự hào, có cơ sở củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thanh-Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng