Thăm vườn dâu sạch Đà Lạt: Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch

Kinh tế - Ngày đăng : 08:23, 13/09/2017

BT- Đến Đà Lạt, ngoài tận hưởng không gian thoáng đãng, trong lành… thì việc được tận tay hái những quả dâu tây giống Nhật Bản, rồi ăn ngay tại vườn mà không cần rửa qua nước… đang là một thú vui dân dã và là nét du lịch nông nghiệp đặc trưng của xứ ngàn hoa.
                
Vườn dâu tây giống Nhật Bản tại khu Thánh    Mẫu.

Trong nhà kính, cây dâu tây giống Nhật Bản được trồng trong các giá thể vi sinh, với nguyên liệu bằng xơ dừa và mùn cưa đã được khử trùng, làm sạch bằng nước trong nhiều ngày liền. Giá thể được đặt cách mặt đất từ 50 đến 60cm theo từng hàng, cách nhau từ 40 - 60cm để giảm thiểu tối đa các loại sâu bệnh. Bên trong có hệ thống ống nước tưới dâu tây, với quy trình tưới nhỏ giọt có hiệu chỉnh. Bón thuốc và phân đều dựa vào đường ống này, với quy trình kỹ thuật rõ ràng theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Vườn dâu tây Nhật cũng thường được đo nhiệt độ bằng máy, khi nhiệt độ tăng cao, hệ thống lưới sẽ được giăng thêm trên trần của nhà kính, nhà lồng nhằm hạn chế lượng ánh sáng xuống vườn, đồng thời bật hệ thống làm mát tự động bằng nước. Nhiều chủ vườn có khả năng kinh tế thì đầu tư luôn hệ thống đo nhiệt độ và kéo lưới tự động.

Chủ vườn dâu tây Nhật tại 162 khu Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt cho biết: Nhiệt độ thích hợp nhất cho dâu tây giống Nhật Bản từ 15 đến 22 độ, nơi trồng phải thoáng gió nhưng nhà lồng phải vững, tốt nhất là có một mặt tựa núi. Với 700 m2 trồng dâu, trung bình mỗi tháng thu được từ 60 đến 70kg/tháng. Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 thì nhà vườn thường hạn chế thu hoạch mà chủ yếu là dưỡng cây. Giống dây tây Nhật Bản có trái hình hơi tròn, đạt 90 đến 110 trái/kg, ngọt thanh và mềm hơn so với dây tây thường.

 “Nếu được chăm sóc kỹ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, cây dâu tây Nhật gần như không có sâu bệnh. Để tăng tỷ lệ đậu trái, nhiều nhà vườn còn nuôi ong để kích thích sự thụ phấn”.

Hỏi thăm thêm các chủ vườn dâu tây giống Nhật dọc đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực, khu vực Thánh Mẫu tại phường 7, Đà Lạt được biết: Để xây dựng nhà lồng, nhà kính kiểu thông dụng với khẩu độ vượt từ 8 - 10m, cao khoảng 4m thì mất từ 170 - 320 nghìn đồng/m2, tùy theo loại vật liệu. Riêng hệ thống tưới, làm mát và giăng lưới trần tự động đầu tư tương đối cao.

Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, giờ đây các vườn dâu tây giống Nhật còn là điểm tham quan nổi tiếng. Tại đây, thực khách có thể vừa hái dâu tây vừa được thưởng thức tại chỗ mà không sợ gì hết… vì đây là dâu sạch được trồng theo công nghệ sinh học, không có hóa chất. “Giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, giá hơi cao nhưng biết là dâu sạch thì mọi giá cả không còn là vấn đề. Ngoài ra, khi được chính chủ vườn giới thiệu về quy trình trồng và chăm sóc dâu tây, khách tham quan cũng hiểu hơn về nông nghiệp công nghệ cao tại xứ sở du lịch này”, chị Dung đến từ Vũng Tàu chia sẻ khi đã hái gần 1 kg dâu tây.

Tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt đang là địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến sản xuất sạch và bền vững. Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có khoảng 45.000 ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chiếm 16,9% tổng diện tích gieo trồng, nhưng giá trị kinh tế đạt được 30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Người làm nông nghiệp thu được lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Cây dược liệu, rau và hoa đang tạm dẫn đầu về giá trị kinh tế khi hộ nông dân đạt doanh thu trung bình trên 3 tỷ đồng/ha/năm, đem lại lợi nhuận xấp xỉ 700 triệu đồng.

CHÍ BÌNH