Thủy điện La Ngâu hay thủy lợi La Ngà 3 ?

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 04/10/2017

BT- Công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006 và Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/02/2013. Công trình hồ La Ngà 3 còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật trong Quy hoạch thủy lợi vùng Đông Nam bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hồ La Ngà 3 theo thiết kế có dung tích hữu ích 404 triệu m3. Hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 77.615 ha cây trồng, cấp 600.000 m3/ngày nước sinh hoạt phục vụ công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra kết hợp phát điện với công suất lắp máy 34MW dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm.
                
   Sông La Ngà. Ảnh: N.Lân

Tuy nhiên khi triển khai dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 lại vướng dự án thủy điện La Ngâu đã được cấp phép đầu tư trước đây, Theo thiết kế, thủy điện la Ngâu có công suất lắp máy 46MW, tương ứng sản lượng điện 204 triệu KWh/năm, tổng mức đầu tư 1.270 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu đến tháng 6/2010 công trình chỉ mới hoàn thành một số công việc: Rà phá bom mìn; đường điện phục vụ sinh hoạt và thi công giai đoạn 1; đường thi công kết hợp vận hành 1A; hệ thống lưới khống chế thủy công, các mốc cắm ranh giới khu lòng hồ và mỏ vật liệu; khu nhà Ban quản lý điều hành và vận hành, kinh phí ước thực hiện khoảng 100 tỷ đồng. Kể từ đó, đến nay sau gần 10 năm khởi công xây dựng nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành và khả năng hoàn thành rất thấp, do thiếu năng lực về nguồn tài chính (từ tháng 6/2010 đến nay dự án không triển khai thêm hạng mục nào). Nếu xây dựng thủy điện La Ngâu sẽ không còn khả năng xây dựng hồ La Ngà 3 do turbine phát điện của thủy điện La Ngâu đặt tại cao trình khoảng +130m, trong khi mực nước dâng bình thường của của hồ La Ngà 3 là +164,36m nên toàn bộ nhà máy nằm chìm trong lòng hồ La Ngà 3 và theo quy hoạch không thể chia làm 2 bậc thang xây dựng cả thủy điện La Ngâu và hồ La Ngà 3.

Được biết, dự kiến tổng mức đầu tư dự án hồ La Ngà 3 khoảng 4.276 tỷ đồng, trong đó công trình đầu mối vốn đầu tư khoảng 1.678 tỷ đồng; tunel chuyển nước La Ngà 3 – KaPét, vốn đầu tư khoảng 952 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.646 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021-2026. Nguồn vốn thực hiện được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA), vốn chương trình mục tiêu và các nguồn vốn hợp pháp khác.  Việc đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 với dung tích 404 triệu m3 sẽ tạo ra một nguồn nước dồi dào mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế xã hội bền vững vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận và 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương tạm dừng đầu tư xây dựng dự án thủy điện La Ngâu và giao cho UBND tỉnh Bình Thuận làm việc cụ thể với Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu tổ chức xác định thực tế các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp đã đầu tư của dự án thủy điện La Ngâu làm cơ sở để xem xét bồi thường cho nhà đầu tư.

Nếu Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu tiếp tục mong muốn làm thủy điện thì ưu tiên giao cho nhà đầu tư này để triển khai thực hiện công trình thủy điện theo nhiệm vụ đã có trong dự án hồ La Ngà 3 với với công suất lắp máy 34 Mw cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm hoặc thủy điện Ka Pét với công suất 5MW điện lượng trung bình năm là 21,9 triệu KWh/năm. UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng cho chủ trương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo đề xuất dự án đầu tư hồ La Ngà 3 phù hợp với quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

H.L