Chăm sóc đàn vật nuôi mùa mưa bão
Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 19/10/2017
Chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. |
Gắn bó với nghề chăn nuôi heo nhiều năm nay nên gia đình anh Huỳnh Đắc Sen ở thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết) có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phòng trừ dịch bệnh cho đàn heo. Đặc biệt, khi mùa mưa có độ ẩm cao, nền chuồng ẩm ướt sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng cho đàn vật nuôi và gây nên một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng… Do vậy, công tác phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn heo luôn được gia đình thực hiện đầy đủ. Anh Sen nói: “Kinh tế gia đình tôi trông chờ vào đàn heo này nên phải bảo vệ và chăm sóc nó thật tốt. Chăn nuôi đã hơn chục năm nay với số lượng, quy mô lớn nhưng đàn heo của gia đình luôn phát triển tốt. Vào thời điểm này, tôi cũng tăng cường hơn công tác phòng dịch như phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi, vệ sinh chuồng trại hàng ngày bảo đảm khô ráo, bổ sung đầy đủ nguồn thức ăn...”.
Mặc dù giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ trong nhiều tháng qua, nhưng không vì thế mà gia đình anh Ngô Văn Tươi ở thị trấn Đức Tài (Đức Linh) lơ là với công tác phòng trừ dịch bệnh. Xác định gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi heo nên thời gian qua, anh vẫn duy trì tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời khi heo có biểu hiện mắc bệnh.
Tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh hiện có 162.553 con bò, 254.126 con heo và 2.750 ngàn con gia cầm. Ông Nguyễn Ngọc Vấn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh cho biết: “Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm. Một số bệnh truyền nhiễm khác vẫn xảy ra trên đàn heo, gia cầm nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, không lây lan thành dịch”. Chi cục cùng với các trạm và chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao, ổ dịch cũ. Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần chú ý thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, nếu phát hiện thấy con vật có biểu hiện nhiễm bệnh thì cần nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra và báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp trị bệnh tích cực. Đồng thời, bổ sung đầy đủ thức ăn và các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Mặc dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Các huyện, thị, thành phố cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
9 tháng, toàn tỉnh đã tiêm phòng 8.710.700 liều vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, bằng 120% so cùng kỳ năm trước; trong đó, trâu bò 185.000 liều, heo 535.000 liều, gia cầm 7.980.500 liều, chó 10.200 liều. Chi cục đã kiểm dịch 4345.700 lượt con gia súc, gia cầm xuất tỉnh, kiểm dịch 30.000 kg da bò, 8.460.000 quả trứng, 18.500 triệu post tôm giống. |
Thanh Duyên