Tỷ lệ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT tăng hàng năm
Xã hội - Ngày đăng : 13:40, 25/12/2021
Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành.
Những năm qua, số người tham gia BHXH năm sau đều cao hơn năm trước. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 16,188 triệu người tham gia BHXH, đạt 33,5% lực lượng lao động; 15,064 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,124 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 10 lần so với năm 2012, đạt tỷ lệ bao phủ là 2,2%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động. Tuy nhiên mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 21 chưa đạt được. Mục tiêu đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 28, nhưng để đạt được cũng là một thách thức. Có sự chênh lệch lớn về độ bao phủ BHXH giữa các địa phương, giữa các vùng miền trong cả nước.
Số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, vượt mục tiêu Nghị quyết số 21. Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,97% dân số, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết 21. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58%.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, bài học và giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21 trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo công tác BHXH, BHYT gắn với thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các chính sách, pháp luật về BHXH theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ bền vững tài chính Quỹ BHXH; nâng cao chất lượng dịch vụ; theo hướng mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi trả BHXH, BHYT; có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm…
Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo với Bộ Chính trị để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong giai đoạn mới, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội.