Quy hoạch tỉnh Bình Thuận: Hội tụ tiềm năng, lợi thế để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 29/12/2021

BT- UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn báo cáo tổng hợp (lần 1) Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua ý kiến của các sở, ngành chuyên môn và địa phương, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục phối hợp làm rõ một số vấn đề cũng như hội tụ tiềm năng, lợi thế vào quy hoạch tỉnh để định hướng đưa Bình Thuận vươn lên xứng tầm…
img_5205.jpg.jpg

Hướng tới phát triển bao trùm

Vào tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua kết quả khảo sát, thu thập thông tin cũng như làm việc trực tiếp bước đầu với các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng hoàn thành dự thảo lần thứ nhất. Tiếp đó, sở chức năng có công văn gửi lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, khối Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp. Mặt khác còn đề nghị Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức phản biện theo quy định đối với nội dung dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tiếp thu, hoàn chỉnh trước khi trình UBND tỉnh.

Theo báo cáo của đại diện Liên danh tư vấn mà đứng đầu là Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dự thảo Quy hoạch tỉnh bao gồm nhiều nội dung nhằm hướng tới phát triển bao trùm. Trong đó tập trung đánh giá chung về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó là các phương án tổng thể tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và tổ chức hệ thống kết cấu hạ tầng; phân bổ và khoanh vùng đất đai. Hay như đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng tài nguyên, huy động sử dụng, phát triển nguồn nhân lực…

Qua trình bày nội dung dự thảo và những ý kiến đóng góp, UBND tỉnh đã ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan đối với sự phát triển của Bình Thuận trong giai đoạn mới. Nhờ đó cũng góp phần nhận diện một số vấn đề ở địa phương cần được giải quyết của “bài toán” định hướng phát triển Bình Thuận trong kỳ quy hoạch sắp tới…

Hội tụ tiềm năng, lợi thế

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện rõ mục tiêu tổng quát là không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi nhân dân, hướng tới phát triển bao trùm. Dù vậy vẫn xoay quanh 3 trụ cột chính: Dịch vụ với các loại hình du lịch mới hiện đại, đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; công nghiệp (nòng cốt là công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp năng lượng sạch) được tổ chức theo chuỗi và các cụm liên kết; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến… Quy hoạch tỉnh cũng đặt mục tiêu trong 10 năm tới sẽ huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại, bền vững và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải.

img_4365.jpg.jpg
Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp và du lịch. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh đã thông báo kết luận của Chủ tịch Lê Tuấn Phong tại cuộc họp nghe báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND tỉnh cơ bản thống nhất các nội dung về quan điểm, mục tiêu lớn, mục tiêu cụ thể, lựa chọn phương án đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt là những vấn đề lớn như tổ chức không gian phát triển, các ý kiến đã làm rõ thêm quan điểm và đề xuất xử lý xung đột, mâu thuẫn đặt ra trong quá trình phát triển trên địa bàn Bình Thuận. Cụ thể như vấn đề chồng lấn khai thác tài nguyên thiên nhiên (titan) với việc phát triển không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác (du lịch, dịch vụ…).

Qua đây, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị Liên danh tư vấn cùng cơ quan, đơn vị trong tỉnh mà đầu mối chịu trách nhiệm chính là Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực tổng hợp, tiếp thu ý kiến, biên tập và hoàn thiện dự thảo để trình các cấp thẩm quyền theo kế hoạch. Trong đó cần phân tích, đánh giá điểm mạnh - yếu, cơ hội - thách thức nhằm làm nổi bật sự khác biệt của Bình Thuận với các tỉnh, thành khác để hoạch định chiến lược, giải pháp và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Ngoài phát huy lợi thế về công nghiệp, năng lượng, du lịch, kinh tế biển… thì cũng cần rà soát bổ sung, nâng cấp mở rộng trục giao thông kết nối Bình Thuận với Tây Nguyên, hoặc từ Đức Linh, Tánh Linh đến La Gi và liên huyện theo trục ngang đến Tuy Phong để đấu nối vào tuyến cao tốc Bắc - Nam. Với đường thủy nội địa, bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền, nhất là bến cập tàu đón du thuyền quốc tế đến Bình Thuận cũng phải có định hướng quy hoạch…

Theo phương án tổ chức không gian các vùng của tỉnh được đơn vị tư vấn trình bày thì bên cạnh khu vực TP. Phan Thiết và phụ cận, dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận còn hình thành 3 trung tâm mới. Đó là: Trung tâm phía bắc với lõi là cụm đô thị Liên Hương - Phan Rí Cửa và Vĩnh Tân; Trung tâm tây nam với lõi là đô thị La Gi - Sơn Mỹ; Trung tâm tây bắc với lõi là đô thị Võ Xu - Đức Tài. Các trung tâm được bố trí kết nối với trục động lực và gắn kết với các chức năng công nghiệp, du lịch, đầu mối giao thông vận tải (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, trung tâm tiếp vận…). Về nội dung này, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị làm rõ nổi bật phạm vi, tính chất, động lực phát triển và yếu tố lan tỏa của từng vùng để xác định danh mục các dự án thu hút đầu tư…

QUỐC TÍN