Phát huy vai trò, vị thế của kinh tế tập thể

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 29/12/2021

BT- Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn giữ vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những năm qua, Bình Thuận đã cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 13 vào thực tiễn đạt hiệu quả.

Chuyển biến tích cực

Sau 20 năm (2001 - 2021) triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, khu vực kinh tế tập thể của Bình Thuận có sự chuyển biến tích cực cả chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và vùng nông thôn nói riêng. Với 2 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) và 199 HTX trên toàn tỉnh đã góp phần giúp cho kinh tế tập thể từng bước khẳng định vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan trong phát triển kinh tế.

img_0627.jpg.jpg

Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm không chỉ là những con số, mà quan trọng hơn là nhận thức về bản chất tổ chức HTX bước đầu được khẳng định và thống nhất. Thực tế cho thấy những nơi nào được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì phong trào kinh tế tập thể, HTX ở nơi đó phát triển. Thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai các chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX phát triển. Trong đó, đáng quan tâm là các chính sách về nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng; về hỗ trợ khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường, đầu tư hạ tầng và một số chính sách hỗ trợ thành lập, chế biến sản phẩm, hỗ trợ khó khăn do thiên tai dịch bệnh.

Giai đoạn 2001 – 2021, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ ngắn hạn về HTX, khoa học công nghệ cho gần 10.000 lượt người, tổ chức 7 hội thảo thu hút 300 thành viên tham dự. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể với doanh số cho vay hơn 259 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 6 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ đầu tư kinh phí, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cho 3 HTX, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 10 HTX. Tổ chức cho hơn 30 lượt HTX nông nghiệp tham gia hội chợ hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng; giới thiệu trưng bày các gian hàng quảng bá sản phẩm HTX tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Đặc biệt, hoạt động của HTX kiểu mới ngoài hiệu quả kinh tế còn chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, các HTX đã giải quyết việc làm cho 2.576 lao động và đóng góp vào các hoạt động xã hội từ thiện hơn 1 tỷ đồng/năm.

Khẳng định vị thế

Nhìn chung, các HTX, nhất là HTX nông nghiệp đã từng bước phát huy hiệu quả với nhiều mô hình nổi bật, cách làm hay như HTX Thanh Bình trồng thanh long theo quy trình VietGAP cấp độ chuẩn riêng của HTX theo hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế; HTX nấm Phúc Thịnh áp dụng công nghệ bán tự động trong nuôi trồng một số loại nấm; HTX thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long… Ngoài ra, đã có những HTX, liên hiệp HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nổi bật như chuỗi lúa gạo của HTX Nông nghiệp Long Điền 1 với doanh nghiệp Long Thảo, chuỗi lúa nếp của HTX Công Thành Đức Linh, chuỗi lúa gạo của các HTX trên địa bàn huyện Tánh Linh với công ty Đại Nhật Phát. Đặc biệt, chuỗi lúa gạo của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với thương hiệu gạo sạch “Đức Lan” đã được Bí thư Tỉnh ủy tặng thư khen và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020… Từ đó, góp phần từng bước khẳng định vị thế, vai trò và tính tất yếu khách quan của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Để kinh tế tập thể ngày càng khẳng định vị thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội để hỗ trợ, xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, phải củng cố bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, bố trí thêm cán bộ cấp xã theo dõi về kinh tế tập thể, HTX. Phát triển các liên hiệp HTX chuyên ngành, đa ngành, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, hỗ trợ HTX đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến sâu, quản lý điều hành gắn với chuyển đổi số, xử lý triệt để các HTX hoạt động không hiệu quả, thành lập hình thức, thiếu tính thực tế.

MINH VÂN