Trọng trách và lợi ích của Indonesia khi nắm giữ vai trò Chủ tịch G20 năm 2022
Quốc tế - Ngày đăng : 16:05, 04/01/2022
Trọng trách đưa thế giới “Cùng phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”
Với việc tiếp nhận chức vụ Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) từ Italy, Indonesia trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên đảm nhận chức vụ này kể từ lần đầu gia nhập khối năm 1999 và là quốc gia Chủ tịch thứ ba trong thời gian đại dịch.
Trong bài phát biểu chào năm mới 2022, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh vai trò Chủ tịch G20 là "sự tín nhiệm và vinh dự đối với Indonesia và là cơ hội để Indonesia đóng góp nhiều hơn vào quá trình phục hồi kinh tế thế giới nhằm xây dựng một nền quản trị thế giới lành mạnh, công bằng và bền vững hơn, dựa trên độc lập, hòa bình lâu dài và công bằng xã hội”.
Là một tổ chức bao gồm 60% dân số thế giới, đóng góp 80% GDP thế giới và 75% thương mại toàn cầu, nhóm G20 có vai trò quan trọng như một đầu tàu đưa thế giới trở lại phục hồi sau đại dịch. Do đó, Tổng thống Indonesia đảm bảo trong vai trò Chủ tịch, Indonesia sẽ lãnh đạo để G20 có thể thực hiện vai trò này vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Chủ đề mà Indonesia nêu ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”. Ngoại trưởng Indonesia, ông Retno Marsudi nhận định, để “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, thế giới không có lựa chọn nào khác là hợp tác và đoàn kết. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế sự hợp tác này không phải là điều dễ dàng. Bằng chứng là, trong thời kỳ đại dịch, sự cạnh tranh giữa các quốc gia đã thực sự gia tăng.
Trong khi đó, ngoại giao Indonesia luôn tạo dấu ấn về tính hợp tác và bao trùm. Do vậy, trong nhiệm kỳ của mình, mặc dù G20 là một nhóm các nước lớn song Indonesia muốn đấu tranh vì lợi ích của các nước đang phát triển. Vì lý do này, Indonesia thúc đẩy ba chương trình nghị sự chính, đó là củng cố kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi kỹ thuật số. Ngoại trưởng Indonesia giải thích việc chuyển đổi năng lượng là một phần quan trọng để nền kinh tế thế giới phục hồi theo hướng xanh và bền vững, trong khi chuyển đổi kỹ thuật số mang tinh thần bao trùm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 này, Indonesia có sứ mệnh đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng và trở nên kiên cường hơn. Theo đó, cần tận dụng mọi cơ hội có được giữa bối cảnh đại dịch để thay đổi cách thế giới làm việc, thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh để tạo ra những đột phá mới. Theo Bộ trưởng Airlangga, các nền kinh tế trong nhóm G20 cần tập trung vào việc củng cố hệ thống chủ nghĩa đa phương và quan hệ đối tác toàn cầu hiệu quả, để đảm bảo rằng nền kinh tế thế giới vẫn cởi mở, công bằng, cùng có lợi và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra Bộ trưởng Indonesia cũng hy vọng một số chương trình nghị sự và chuyển đổi kinh tế xã hội sẽ tiếp tục cũng như hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia, đặc biệt trong việc tiếp cận thuốc và vaccine Covid-19 công bằng hơn, chuyển đổi kinh tế xã hội sẽ tốt hơn.
Lợi ích về ngắn hạn và dài hạn của Indonesia khi nắm giữ vai trò Chủ tịch G20
Ngoài danh dự và trách nhiệm, vai trò Chủ tịch G20 còn thể hiện sự tin tưởng của thế giới đối với Indonesia. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng, sự tin tưởng này là rất đắt giá, đem lại cho Indonesia nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, trong năm nay, Indonesia sẽ phải chủ trì khoảng 150 cuộc họp tại 18 thành phố với sự tham gia của hơn 18.000 đại biểu và kết thúc bằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 11/2022 tại Bali. Điều này sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực kinh doanh khách sạn và các Doanh nghiệp vừa và nhỏ xung quanh địa điểm họp, giúp tạo ra khoảng 33.000 việc làm. Sesmenko Susiwijono - Thư ký Bộ điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia cho biết, việc tổ chức sự kiện G20 sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế tổng thể lớn hơn 1,5 đến 2 lần so với việc tổ chức Hội nghị thường niên IMF- Ngân hàng Thế giới tại Bali vào năm 2018. Tiêu dùng nội địa sẽ tăng lên 1,7 nghìn tỷ Rp và GDP trong nước là 7,43 nghìn tỷ Rp từ chuyến thăm của các đại biểu.
Không chỉ có những lợi ích kinh tế ngắn hạn, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 cũng đem lại cho Indonesia những ý nghĩa kinh tế và chính trị dài hạn. Nhà kinh tế học kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (Celios) Bhima Yudhistira cho rằng, về dài hạn, thông qua Chủ tịch G20, Indonesia có thể tận dụng việc tiếp xúc các doanh nghiệp, thực hiện các hợp tác, gia tăng giá trị đầu tư; gia tăng nguyện vọng phục hồi các nước đang phát triển và phục hồi chung bằng cách sử dụng số hóa và tận dụng lợi thế của thương mại quốc tế và chính sách tài khóa để phục hồi kinh tế.
"Đây là một lợi ích sẽ được cảm nhận trong dài hạn, có nghĩa là ngay cả khi sự kiện đã kết thúc, nó vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế", ông Bhima khẳng định.
Ngoài việc nhận được lợi ích kinh tế, Indonesia cũng sẽ nhận được những lợi ích chiến lược mà ở đó, Indonesia sẽ đóng vai trò chính trong việc xác định hướng đi của các chính sách toàn cầu trong tương lai.
Với những kỳ vọng lớn, Indonesia lạc quan năm 2022 sẽ đem lại cho quốc gia này những niềm tin chiến lược, những bước đi dài để vươn lên đổi mới, đối phó với đại dịch phục hồi kinh tế và hỗ trợ các nước đang phát triển cùng phục hồi mạnh mẽ hơn./.