Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 15:18, 06/01/2022
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo tại diễn đàn. Tại điểm cầu Bình Thuận có ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng một số sở ngành liên quan. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham dự trên nền tảng Zoom Meeting.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trình bày tham luận, trao đổi về tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng. Tình hình sản xuất thanh long trong nước, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long; thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển.
Diễn đàn cũng được nghe ý kiến của một số Tham tán thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản, Ấn Độ về thị trường tiêu thụ mặt hàng trái cây. Đồng thời trao đổi những giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, chế biến thanh long. Đây là dịp để đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp. Song song, kết nối người sản xuất, kinh doanh mặt hàng thanh long với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) dự kiến trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Tuy nhiên, từ ngày 29/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại Việt Nam. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp và chuỗi ngành hàng liên quan tới mặt hàng nông sản gặp khó khăn, bởi thanh long đầu năm là nghịch vụ, bán được giá hơn nhiều so với chính vụ vào tháng 8, tháng 9.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, dự kiến diện tích thanh long cho thu hoạch của tỉnh từ nay đến tháng 2/2022 khoảng 11.650 ha (khoảng 30%) tổng diện tích thanh long hiện có, sản lượng khoảng 112.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay các cửa khẩu phía Bắc đang bị ách tắc, tạm ngừng thông quan nên tình hình thu mua hiện nay rất khó khăn, giá thanh long giảm mạnh.
Về giải pháp thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Thuận tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo điều kiện khôi phục các cửa khẩu đang tạm thời dừng thông quan để phòng chống dịch Covid-19…
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường lớn, vì vậy Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy quá phụ thuộc vào một thị trường sang tư duy đa dạng thị trường. Theo đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái tháo gỡ vấn đề thiếu container để xuất khẩu nông sản qua đường biển…