Thảo luận về Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Chính trị - Ngày đăng : 20:15, 06/01/2022

BTO-Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội XV, chiều nay 6/1, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì thảo luận tổ tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận.

Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

1.jpeg
Đồng chí Dương Văn An chủ trì thảo luận tổ tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận.

Theo tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án, thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 146.990 tỉ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn chuẩn bị dự án là năm 2021 - 2022, giai đoạn giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án là năm 2022 - 2023, khởi công xây dựng vào giữa năm 2023, hoàn thành các dự án vào năm 2025.

3.jpeg
Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐHQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông phát biểu.

Thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhất trí cao việc triển khai dự án. Đồng thời tập trung cho ý kiến về: sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết của Dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô mặt cắt ngang; phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành; cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án,…

2.jpeg
ĐBQH Đặng Hồng Sỹ phát biểu tại buổi thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, do đó, ĐBQH tỉnh đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng, bổ sung các giải pháp, quan tâm đến nguồn vật liệu để tránh tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu tại 12 dự án thành phần đầu tư nhằm đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, không kéo dài.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cần gắn trách nhiệm cho địa phương đi đôi với chế tài xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Giải toả mặt bằng phải đủ 6 làn theo đúng kế hoạch…

Về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, các đại biểu thống nhất cao và cho rằng việc triển khai là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ.

Với vị trí là giao điểm của 2 trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), TP. Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.

Sáng ngày 7/1, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

T.HÀ