Hỗ trợ tiêu thụ thanh long vụ tết

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 06:02, 07/01/2022

BT- Hồi giữa năm 2021 khi dịch bùng phát ở Bắc Giang đúng vào lúc 200 ngàn tấn vải thiều đến vụ thu hoạch. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trên đường đi công tác Bắc Giang thì gặp đoàn xe tải chở vải thiều ghi dòng chữ “giải cứu nông sản”.

Bộ trưởng trăn trở: “Khi thấy cụm từ “giải cứu” tôi đau lòng quá, dùng thông điệp như thế khiến nông dân tổn thương, thậm chí làm giảm chất lượng nông sản, có thể khiến mọi người hiểu lầm”. Theo Bộ trưởng: Chúng ta nên bỏ từ “giải cứu” nông sản, nghe rất thương cảm, thay vào đó cần có những hành động mạnh mẽ hơn”.

thanh-long.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu (ảnh tư liệu).

Tâm tư của Bộ trưởng đã “chạm” vào nỗi niềm của người dân Việt Nam vốn đã mệt mỏi với điệp khúc “giải cứu nông sản”. Nên từ đó đến nay trên báo chí cũng như mạng xã hội, ít khi xuất hiện hai chữ “giải cứu” mà thay vào đó là “hỗ trợ tiêu thụ” nông sản.

Như hôm qua báo chí đưa tin hệ thống siêu thị BigC,Tops Market và Go! (thuộc Tập đoàn Central Retail) đã đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ nông dân Bình Thuận, Long An tiêu thụ thanh long. Đây là 2 “thủ phủ” thanh long của Việt Nam và phần lớn sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hai địa phương này đang đau đầu tìm cách tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn thanh long, do “tắc” ở cửa khẩu những ngày qua, trong lúc năng lực chế biến rất hạn chế, còn việc bán lẻ rất chậm.

Tình trạng nông sản Việt ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc thực ra đã được cảnh báo từ trước, nhưng không dễ giải quyết khi nông sản ta quá phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản Việt Nam, giá nhiều loại nông sản trong đó có thanh long đã rớt thê thảm, cả xã hội phải xúm vào “hỗ trợ tiêu thụ”.

  Hồi tháng 9/2021, phía Trung Quốc cũng tạm dừng thông quan lô hàng thanh long của ta, sau khi phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì và thùng carton đựng thanh long xuất khẩu, 1 tuần sau thanh long mới được thông quan trở lại.

Vì vậy, lúc này không nên “đổ thừa” cho phía Trung Quốc, mà nên tự trách mình và tự cứu mình. Vụ thanh long tết là hy vọng của nông dân sau một năm quá nhiều biến động, dự kiến từ nay tới tết trên 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu đang làm giá thanh long sụt giảm mạnh. Một lượng xe container thanh long ở cửa khẩu sau nhiều ngày chưa được thông quan đã phải quay đầu tìm đường bán đổ bán tháo ở trong nước, tránh bị mất trắng... Dự báo từ nay tới tết tình hình xuất khẩu nông sản rất khó khăn, Bình Thuận đang yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong thị trường nội địa. Sẽ còn nhiều doanh nghiệp, siêu thị khác tham gia Chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nông dân khi tết đã cận kề.

Trong lúc căng thẳng này càng thấy yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất bức bách. Tin vui là thanh long Bình Thuận vừa được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho trái thanh long của ta tìm được một chỗ đứng vững vàng ở thị trường khó tính 130 triệu dân này. Vấn đề là nông dân và doanh nghiệp ta tận dụng “giấy thông hành” này như thế nào?

ĐẶNG DŨNG