6 công việc phải đẩy nhanh tốc độ để phục hồi kinh tế năm 2022

Chính trị - Ngày đăng : 17:39, 07/01/2022

BTO- Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tại Hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 diễn ra vào ngày 7/01/2022.
bi-thu-tinh-uy-duong-van-an-phat-bieu-chi-dao-hoi-nghi-anh-nl-.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu chỉ đạo hội nghị (ảnh NL)

Nhìn lại năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy đã điểm qua những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh từ tháng 7 đến giữa tháng 10, khi Bình Thuận là cửa ngõ vào ra của các tỉnh phía Nam. Cụ thể, kết quả thực hiện kinh tế xã hội năm 2021 của tỉnh đạt và vượt 12/17 chỉ tiêu chủ yếu. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt 13.383 tỷ đồng, vượt 60,86%, trong đó thu nội địa 10.060 tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao; thu hút đầu tư xã hội tăng khá (8,6%), các công trình trọng điểm Quốc gia như đường cao tốc, dự án cảng hàng không Phan Thiết không bị gián đoạn thi công nhiều, khối lượng thi công cơ bản đảm bảo…

hoi-nghi-truc-tuyen-trien-khai-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2022-anh-nl-a.jpg

Đồng thời Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, để hội nghị tập trung phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm. Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý 6 vấn đề. Trong đó, vấn đề đầu tiên phải khắc phục những tắc trách trong triển khai chính sách pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa các chính sách của địa phương, thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Từ những chỉ số PAPI,… bị tụt hạng qua các năm cùng thực trạng chậm trong giải quyết các thủ tục đầu tư của các dự án, đến nay đã trở thành nút thắt, điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của tỉnh.

Bí thư nhấn mạnh, đó là những cản trở từ chính chủ quan nên nếu cán bộ công chức quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì giải quyết được, mà không cần tiền, không cần hỗ trợ của Trung ương như 2 điểm nghẽn của tỉnh đã tháo gỡ thời gian qua về giao thông đối ngoại, chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch khác. Do vậy, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND, Ban Thường vụ các huyện thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, UBND tỉnh, huyện, các cơ quan ban ngành cần phát động phong trào thi đua hành động; nghiên cứu nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công việc, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì công việc chung.

Thứ 2, có kế hoạch phục hồi kinh tế một cách thông minh, sáng tạo, khoa học, vừa không để lỡ nhịp, đi sau, về sau trong xu hướng phục hồi chung của cả nước, vừa có tốc độ phục hồi cao hơn, thần kỳ hơn. Vì Bình Thuận đang ở giai đoạn có rất nhiều thời cơ, là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Từ đây, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung vào 3 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, lấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn làm nhiệm vụ trọng tâm. Song song đó, bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy đã ban hành để soi rọi vào thực tiễn từng ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa thực hiện. Các ngành, các địa phương phải thi đua, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với nhau trong phục hồi kinh tế.

Thứ 3, đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư, giúp tạo cung để kích thích tổng cầu làm cho hoạt động kinh tế theo quy luật cung - cầu hài hòa hơn, từ đó thúc đẩy phát triển phục hồi kinh tế trở lại nhanh hơn. Kết quả đầu tư công trong năm 2021 tại tỉnh cho thấy rõ điều đó. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất mong các ngành, địa phương phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình, dự án, đưa vào sử dụng. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thứ 4, đã bước vào giai đoạn sống chung với dịch bệnh nên ngành y tế và các địa phương cần bám sát các quy định của Bộ Y tế để có các biện pháp thích ứng an toàn. Không để dịch bệnh bùng phát, không để hệ thống y tế quá tải, hạn chế tử vong trong các trường hợp nhiễm Covid-19. Song song thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng tác động bởi dịch bệnh.

Thứ 5, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm đến lĩnh vực văn hóa xã hội, đầu tư văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Vì văn hóa là nguồn lực nội sinh của sự phát triển.

Thứ 6, hiện trạng đô thị tại tỉnh chưa đẹp, chưa sạch và chưa văn minh. Yêu cầu TP. Phan Thiết, thị xã La Gi đi đầu trong chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Tiếp đến là các thị trấn ở các huyện. Lấy chỉnh trang đô thị làm mẫu, tạo hiệu ứng lan tỏa xây dựng Nông thôn mới xanh- sạch- đẹp- thông minh.

Bích Nghị - Ngọc Lân