Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022
Kinh tế - Ngày đăng : 11:45, 08/01/2022
Dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 trình bày tại hội nghị nêu đầy đủ mục tiêu chung, các chỉ tiêu kinh tế xã hội, kịch bản tăng trưởng từng quý, chương trình công tác (bao gồm 94 báo cáo, đề án, chính sách,... trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong năm 2022) gắn với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu KTXH năm 2022.
Nổi bật là các nhóm giải pháp về tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid- 19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; về góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; về đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; về huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...
Các đại biểu đã góp ý các nội dung trong chương trình hành động. Đồng thời thông tin những kết quả đạt được, kế hoạch phát triển của địa phương, ngành trong năm 2022. Đáng chú ý có những biến động như việc sẽ cắt giảm điện ở 2 nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu; tồn kho 4.000 tấn hải sản ở Phú Quý… Hay những chuyển biến mới như sản lượng điện của Bình Thuận chiếm 10% tổng sản lượng điện toàn quốc; các dự án khởi công và hoàn thành trong năm 2022 là những dự án triệu đô; đẩy mạnh khai thác du lịch sinh thái rừng, thác và hồ song song với biển; xuất hiện nhiều sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long như mì tôm thanh long, phân hữu cơ thanh long… Song song đó, các đại biểu cũng kiến nghị một số vấn đề về mô hình xây dựng kè biển bảo đảm hài hòa giữa chống xói lở bờ biển và phát triển du lịch; hướng tháo gỡ trong tiêu thụ nông sản, hải sản cũng như cách sản xuất trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng; bố trí bác sĩ tại các trạm y tế xã…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nêu 6 vấn đề cần quan tâm thực hiện trong năm 2022, trong đó nhấn mạnh cần khắc phục điểm nghẽn trong thực thi công vụ của cán bộ công chức ở các cơ quan nhà nước. Đó là điểm quyết định cho Bình Thuận phục hồi kinh tế nhanh trong năm 2022.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tiếp thuđầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, để bổ sung vào Chương trình hành động và chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cụ thể hóa trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao cho đơn vị gắn với chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Thực hiện quyết liệt, có trách nhiệm, hoàn thành các nhiệm vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là việc xây dựng các báo cáo chuyên đề, đề án, chính sách trong Chương trình công tác và 10 nhóm giải pháp đã xác định trong Chương trình hành động năm 2022 của UBND tỉnh.
Trong đó, tiếp tục xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Triển khai thực hiện hiệu quả 5 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIV về: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đến năm 2025; Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xem công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành và là cơ hội để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ và chất lượng công tác lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, chú ý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là giao thông, thủy lợi và hạ tầng khu công nghiệp. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 03 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đồng thời, có giải pháp tích cực để phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa. Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời tập trung rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, năng lực yếu, không có lý do chính đáng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết trong năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ duy trì 01 tháng ít nhất 01 lần làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng phải dành 01 tháng ít nhất 01 buổi để làm việc trực tiếp nhà đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao các chỉ số CCHC, PCI…Lãnh đạo UBND tỉnh duy trì 01 tháng ít nhất 1 lần làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, cũng yêu cầu giám đốc các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cứ 1 tháng ít nhất dành 1 buổi để làm việc trực tiếp vàtháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Song song đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; quan tâm chất lượng công tác dạy và học, hạn chế tình trạng bỏ học ở các cấp học; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm cán bộ công chức trong thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Tập trung chỉ đạo giải quyết các nội dung tồn đọng, kéo dài và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để công việc chậm trễ, kéo dài, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai. Và cuối cùng, xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các Luật, Nghị định của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
*Tại hội nghị, UBND tỉnh cũng đã khen thưởng 8 tập thể và 7 cá nhân, vì có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành của cả nước, vì có tỷ lệ giải ngân cao hơn thời điểm bị dịch bệnh. Cách thức thực hiện này có thể tiếp tục áp dụng trong năm 2022, sẽ đảm bảo sự dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.