Chất nạo vét cảng biển chuyên dùng: Hướng san lấp bến cảng, đê kè

Kinh tế - Ngày đăng : 14:33, 26/10/2017

BT- Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT), chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cho biết, Công ty BOT đã xúc tiến đàm phán với các bên liên quan gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, liên doanh nhà thầu nạo vét để thực hiện công việc này từ đầu tháng 10/2017 đến 30/9/2018. Trước đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã chấp thuận chủ trương cho phép đổ toàn bộ khối lượng nạo vét 920.000 m3 cảng chuyên dùng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sang khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Chất nạo vét bến cảng này gồm cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét và bùn trầm tích thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện. Trong số này chỉ 20% là bùn trầm tích và 80% là vật liệu các loại.
                
Khu vực nạo vét cảng của Nhà máy nhiệt điện    Vĩnh Tân 1.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC) chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 cũng đã thực hiện đánh giá tác động môi trường khu vực nhà máy, bến cảng: hoàn chỉnh báo cáo khảo sát địa hình, địa chất, lấy mẫu trầm tích khu vực nạo vét, với tổng khối lượng dự tính nạo vét 850.000 m3. “Khối vật chất đáy bờ này dự kiến sẽ đổ vào Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong quá trình thi công giai đoạn II, hoặc dùng san lấp đê kè các vùng ven biển bị sạt lở của tỉnh, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư VTEC trong buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Trong diễn biến liên quan, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha diện tích mặt nước, trong đó khoảng 51 ha diện tích mặt nước dùng để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng, dịch vụ cảng và khoảng 90 ha diện tích mặt nước được sử dụng để làm diện tích khu mặt nước của cảng (gồm công trình thủy công, khu mặt nước trước bến, khu quay trở tàu, luồng tàu…). Phần diện tích rộng lớn 51 ha mặt nước dự kiến đổ chất nạo vét trong quá trình thi công luồng tàu giai đoạn I và II của chính bến cảng, nạo vét cảng nội bộ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, 920.000 m3 chất bùn thải Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Tổng cộng sẽ có hơn 2 triệu m3 bùn cát ven biển của cảng, hai nhà máy liên quan đổ vào khu vực này để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng, dịch vụ cảng.

Các chủ đầu tư tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã có sự thỏa thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích cho nhau và môi trường trong khu vực biển Tuy Phong. Trước đó, qua khảo sát, làm việc tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã thống nhất với lãnh đạo tỉnh, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chức năng xúc tiến rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan; thành lập một đơn vị quản lý, điều phối chung hoạt động các đơn vị tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, gồm 5 nhà máy nhiệt điện, cảng tổng hợp. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp UBND Bình Thuận quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh để có thể sử dụng trong số 4 - 5 triệu m3 nạo vét ở ven biển trung tâm điện lực này.

T. Khoa