Hãy bảo vệ trẻ bằng những việc làm thiết thực nhất

Xã hội - Ngày đăng : 09:20, 11/01/2022

Câu chuyện về nhiều trẻ em bị bạo hành đã không còn mới, thế nhưng mỗi khi có sự việc xảy ra lại khiến nhiều người phải bàng hoàng, đau xót, phẫn nộ. Dạy trẻ nhận biết bạo hành và những kỹ năng tự bảo vệ mình là một trong những giải pháp cần thiết.

Mặc dù đã trôi qua hơn nửa tháng, thế nhưng vụ bé gái N.T.V.A , 8 tuổi ở Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh) bị chính người tình của bố hành hạ, đánh đập dẫn đến tử vong vẫn đang khiến dư luận hoang mang, phẫn nộ. Hơn 1 năm trời bị hành hạ, tra tấn hết sức dã man, những vết thương cũ chưa kịp lành thì những vết thương mới lại chồng lên, đau đớn lắm nhưng bé lại không kêu cứu với ai, âm thầm chịu đựng đến lúc mất.

Trước đó, vào tháng 12/2021, ở tỉnh Kiên Giang một bé gái 3 tuổi qua đời sau trận đòn roi của bố dượng. Hay vào tháng 9/2021, một người bố ở Hà Nội đã dùng đũa đánh con gái 6 tuổi, khiến bé không qua khỏi…

Có thể thấy, những vụ bạo hành trên là điển hình về hành vi bạo hành trẻ em từ chính môi trường gia đình, chính những người thân quen của các bé. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, trong đó có trên 90% vụ việc xảy ra từ những người mà các em quen, thân. Vụ việc chỉ được đưa ra "ánh sáng" của pháp luật khi hậu quả để lại quá nghiêm trọng.

Là một người mẹ có 2 con nhỏ, chị Nguyễn Hồng Lan (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết) kịch liệt phản đối những hành vi bạo hành trẻ em. Những thông tin về trẻ em bị bạo hành trong thời gian qua đã khiến chị thực sự đau xót, ngỡ ngàng và phẫn nộ. Chị Lan cho biết, qua những vụ việc đau lòng trên, chị nhận thấy ngoài việc  hướng dẫn cho con tự vệ với những người bên ngoài, thì cần phải hướng dẫn bé tự lên tiếng khi bị chính người thân của mình bạo hành. “Tôi nghĩ, ngay lúc này, thời điểm này tôi cần phải tăng cường hơn nữa trong việc hướng dẫn, dạy các con kỹ năng bảo vệ bản thân, rằng bản thân của con rất quý giá, không ai có quyền xâm phạm dù đó là những người thân quen”, chị Lan chia sẻ.

Theo chị Trần Thị Ngọc Anh, thạc sĩ tâm lý, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận: Hiện nay, một bộ phận người dân, mà cụ thể là những người bố, người mẹ những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ nhỏ đang còn quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên mỗi khi không hài lòng về con thường có hành vi dùng roi để dạy trẻ. Còn những hàng xóm, những người dân xung quanh, cho dù họ có biết, có nghe thì lại có tâm lý “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, hay việc đánh trẻ là gia đình đó đang dạy dỗ con nên ít quan tâm, để ý, họ không nhận biết được rằng đó là bạo hành.

 Chị Ngọc Anh cho rằng, các bậc cha mẹ cần dạy cho bé cách bảo vệ thân thể của mình, không ai được phép đụng vào; dạy cho trẻ cách nhận diện đâu là dạy dỗ và đâu là bạo hành. “Ngoài ra cũng phải dạy trẻ cách bỏ chạy, kêu cứu khi bị bạo lực, nhờ người giúp đỡ”, chị Anh chia sẻ.

Cũng theo chị Anh, cần phải phá bỏ, lên án cách giáo dục lỗi thời “thương cho roi cho vọt”; hàng xóm xung quanh khi chứng kiến những vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ cũng đừng im lặng mà hãy chủ động lên tiếng, báo ngay với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời.

Thực tế, để trẻ được bảo vệ, cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng hơn hết, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em phải từ chính mỗi gia đình. Gia đình đầm ấm, hạnh phúc con trẻ sẽ được an toàn. Đấy mới mới chính là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ trẻ.

Bảo Ngọc