Đoàn ĐBQH tỉnh: Thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng

Chính trị - Ngày đăng : 06:30, 12/01/2022

BT- Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc vào chiều 11/1 hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ nội dung chương trình, đảm bảo đúng chất lượng. Tại các phiên họp tổ và thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết vào vấn đề quan trọng của đất nước cũng như đối với các dự án luật trình Quốc hội.
dbqh.jpeg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông góp ý tại phiên thảo luận trực tuyến.

Đóng góp ý kiến các dự án luật

Tại các phiên thảo luận ở tổ và trực tuyến, các ĐBQH tỉnh đều nhất trí cao với việc sửa đổi luật, sự cần thiết ban hành các Nghị quyết. Đồng thời đóng góp ý kiến liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật). Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ. Lý giải, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Mặt khác, quy định như hiện hành đã dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án có khi phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần. Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp đối với sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm; vì vậy, cùng với việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu các bộ, ngành và HĐND cấp tỉnh; Quốc hội, Chính phủ cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể này trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Xung quanh nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (Điều 5 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng xã hội hóa trong hoạt động truyền tải điện là chính sách mới được bổ sung, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong khi đó, dự thảo Luật sẽ được thông qua trong một kỳ họp, vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị không chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 4 mà cần rà soát các quy định khác có liên quan ngay tại Luật Điện lực để khi Luật ban hành sẽ phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Và dự thảo Nghị quyết

Góp ý về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh nhận định đây là nghị quyết rất hợp lòng dân, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần xem xét về thời gian triển khai và nguồn lực huy động từ đâu? Bày tỏ thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu tại dự thảo nghị quyết, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh đề nghị phân tích làm rõ thêm tỷ lệ đạt được đến năm 2023 về mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với phương án huy động nguồn lực, theo ĐBQH Bố Thị Xuân Linh, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi… Giải pháp này cần nêu chi tiết, cụ thể hơn về nguồn huy động và hỗ trợ đối với các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Liên quan đến gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch chỉ dành 5.686 tỷ đồng để hỗ trợ là còn ít. Lý giải, đại biểu Đặng Hồng Sỹ nêu rõ: “Đối với Bình Thuận, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng 2 năm qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các cơ sở du lịch gần như tê liệt, không hoạt động nhưng vẫn phải trả các loại chi phí như bảo trì, nhân công, bảo dưỡng, tiền thuế đất… Nhìn rộng ra những trung tâm du lịch lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang... là những địa phương bị thiệt hại rất nặng nề. Cho nên cần nghiên cứu tính toán điều tiết tăng thêm nguồn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi và hoạt động tốt hơn”.

Xung quanh đầu tư công trình, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ đề nghị cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tính toán ưu tiên các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đối với nội dung trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đại biểu Sỹ thống nhất chọn phương án 1: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch…

THU HÀ