Tháng chạp, nhớ mùa mai rừng đón tết
Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 14:08, 13/01/2022
Từ tờ mờ sáng, thằng Dẻo lớn nhất trong bọn qua từng nhà nhóm bọn kêu thức dậy chuẩn bị lên đường. Đêm trước đó, mỗi thằng theo lời hẹn phải chuẩn bị cơm vắt ăn trưa và bi đông nước uống vì sáng đi chiều mới về.
Ánh sáng ban mai vừa hé lên vùng trời trước mặt, năm sáu thằng nhóc tụi tôi khăn gói lên đường vào rừng, trên tay đứa nào cũng có cây rựa bén. Chúng tôi vào rừng chặt mai về đón tết.
Thời đó chúng tôi còn nhỏ, ra khỏi làng chừng vài ba cây số là đã tới rừng già, rừng còn rất nhiều mai.
Qua cây cầu sắt làng Phước An, thằng Dẻo dẫn bọn tôi đi về hướng núi Đất, nhưng chỉ cần đi thêm chừng cây số qua hết đám rẫy là đã tới rừng già, khu rừng này có nhiều cây mai lớn. Thằng Dẻo nói vậy, bởi nó thường đi theo mẹ hàng tuần vào đây hái lá về làm sâm nam bán ngoài chợ Bình Tuy nên biết chỗ nào có nhiều cây mai.
Vào tới rừng, thằng Dẻo quen đường đi rất nhanh, tụi nhóc theo sau phải vạch lá, dây rừng đi theo cho kịp. Nhìn lên trời qua khe táng lá cây rừng, ông mặt trời mới ngang tầm nhìn của mắt, năm sáu đứa ngồi nghỉ mệt đảo mắt nhìn quanh tìm chỗ có cây mai.
Khi đứa nào phát hiện có mai liền kêu cả bọn lại, chung tay kéo cành xuống vén lá tìm nụ. Cây nào nụ ít hay nụ nhỏ cả bọn bỏ qua đi tìm cây mai khác, chúng tôi chỉ chọn cây mai nào có nhiều nụ, nụ lớn thì mới cùng nhau chặt từng cành.
Mặt trời vừa lên quá đỉnh đầu, bọn nhỏ gom cành lại thành đống đủ chia cho mỗi đứa một bó theo sức vóc từng thằng, đứa nào to xác, sức khỏe tốt thì dành cho bó lớn, đứa nào nhỏ con ốm yếu thì nhận bó nhỏ hơn.
Trưa rồi, bụng đói. Ngồi dưới gốc cây già lấy cơm, bánh trái ra ăn rồi ngủ khò một giấc.
Bây giờ là tới công đoạn lặt lá, cái vụ này thì làm chậm vì phải khéo léo nhẹ tay không thì nụ hoa sẽ rụng. Có thằng nôn nóng làm cho xong cầm lá mai giựt lên, có thằng luồn tay dưới nụ hoa nhè nhẹ bẻ ngược lá xuống thì nụ còn nguyên trên cành.
Lặt lá xong là trời đã gần xế chiều. Thằng Dẻo tìm một ít củi khô nhóm lên bếp lửa, nó bảo đưa từng cành mai đốt một phần gốc nơi có dấu rựa chặt. Nó giải thích làm như vậy cho nhựa cây bớt chảy, cành mai sẽ sống lâu hơn khi đưa về nhà bỏ vào chậu nước.
Thôi, về. “Lệnh” của thằng Dẻo nói ngắn gọn. Bọn nhỏ đưa bó mai được chia cho từng đứa lên vai, nhắm hướng cây cầu sắt mà đi ra khỏi rừng cho khỏi bị lạc.
Vừa vác bó cành vừa đi theo bọn nhóc bạn bè, trong đầu óc trẻ thơ của tôi đã nghĩ đến viễn cảnh tết này nhà mình đã có bình mai rừng để chưng, cầu mong cho hoa nở đúng mùng một, trong lòng cảm thấy lâng lâng nghĩ đến cái giá trị hấp dẫn mang lại sắc vàng của những cánh mai rừng tự nhiên trong gia đình ba ngày tết.
Thời tuổi thơ của chúng tôi rừng còn nhiều. Cây rừng còn rất lớn. Bọn chúng tôi lớn lên, rừng đã bị thu hẹp vào tít tận xa, như mỗi đứa trong bọn biền biệt mỗi phương trời. Thế là không còn tuổi thơ nôn nóng chờ tới mùa xuân để đến ngày cơm đùm nước xách vào rừng tìm mai, vì rừng không còn, vì mai không còn, người ta đã chặt phá rừng làm nhà làm rẫy.
Muốn có mai chơi tết bây giờ phải trèo lên tận núi cao may ra mới có, mà núi thì ở xa quá, cao quá, nhiều người không quen sẽ không thể nào đi.
Cho nên, người ta bây giờ bỏ tiền ra mua mai trồng sẳn trong chậu, cây mai uốn lượn kiểu cách, hoặc những cây mai cổ thụ được đào trong rừng sâu.
Đã mất đi rồi cái thú chơi mai rừng, cái thú cứ mỗi mùa tháng Chạp rủ nhau từng đoàn cơm đùm nước xách, vạch lá rừng ngó nghiêng tìm cành mai nào nhiều búp to nụ mới chặt đem về nhà chưng ba ngày tết…