Thời của truy xuất nguồn gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 09:56, 03/11/2017

BT- Chỉ có sạch mới có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc, mới làm minh bạch sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn, chứng minh cho người tiêu dùng sử dụng.

Phải truy xuất nguồn gốc hải sản

Cách đây 10 ngày, Ủy ban châu Âu (EC- cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu - EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do nhằm chống khai thác bất hợp pháp, đồng thời bắt buộc thời gian tới, hải sản vào EU phải có truy xuất nguồn gốc. Thông tin này khiến ngư dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu hải sản vào EU rất lo ngại, vì nếu không khắc phục được nhanh trong thời gian hạn định, hải sản Việt Nam sẽ bị “phạt thẻ đỏ”, đồng nghĩa không còn đường vào EU. Tại Bình Thuận, nơi ngư trường lớn đứng thứ 3 của cả nước cũng không ngoại lệ. Làm sao để những ngư dân, vốn lâu nay giỏi đánh bắt, biết con nước, luồng cá đi, nắm vĩ độ, kinh độ…nhưng việc viết lách, đụng đến sách vở thì cực kỳ lúng túng, thậm chí nhiều người còn không biết chữ có thể viết nhật ký đánh bắt? Ở tầm cao hơn, làm sao ngư dân có thể là một mắt xích trong xây dựng hệ thống tài liệu và truy xuất sản lượng điện tử minh bạch, bền vững về tài chính để chứng minh khai thác hợp pháp và dán nhãn chính xác?

Thực tế, trong những ngày qua, giải pháp trước mắt mà Tổng cục Thủy sản loan tin sẽ gấp rút triển khai là sớm báo cáo Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, trang bị thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá, tổ chức đoàn đàm phán để EU hiểu và ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, tiến tới đề nghị EU rút lại “thẻ vàng” đối với hải sản. Còn về giải pháp lâu dài là hải sản phải có truy xuất nguồn gốc thì…chờ. Rất nhiều vấn đề được đặt ra và không phải chờ đến giờ G, người ta cũng tiên liệu được là rất khó thực hiện, phải mất thời gian rất dài. Với thực trạng đánh bắt và trình độ của ngư dân hiện tại, với hoàn cảnh biển cả mênh mông, việc xác định ranh giới chủ quyền…rất  mong manh, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản theo yêu cầu không đơn giản. Ngay trong nông sản vốn ít phức tạp hơn, vì trên đất liền, vì chủ động sản xuất nhưng thời gian qua, số lượng doanh nghiệp, trang trại thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng chỉ được số lượng “trên đầu ngón tay”.

 Còn thanh long thì sao?

Với sản phẩm rau củ có truy xuất nguồn gốc của Trang trại Nông Viên Việt tại thôn 2, Hồng Sơn - Hàm Thuận Bắc đã ra thị trường thời gian qua, Bình Thuận trở thành 1 trong 6 tỉnh, thành trong toàn quốc có sản phẩm truy xuất nguồn gốc. Đó là rau củ, còn như thanh long, loại trái cây biểu tượng của tỉnh, có vùng chuyên canh lớn nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có trang trại nào thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nếu thanh long thực hiện được truy xuất cũng có nghĩa bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng kém chất lượng thì giá bán sẽ khác, thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống này trong bối cảnh các vườn thanh long đã hình thành với đất bị thoái hóa, vì lâu nay bón quá nhiều phân vô cơ; với nước bị nhiễm bẩn, nhất là tỷ lệ các kim loại nặng vượt ngưỡng; với phương thức canh tác quá nặng thuốc bảo vệ thực vật… là điều không thể.

Chỉ riêng những vườn thanh long đã xác định và chăm chút ngay từ đầu là tuân thủ theo hướng VietGAP, GbalGap đúng nghĩa thì bây giờ, nếu xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc còn được, khi đơn vị truy xuất kiểm tra các yếu tố thấy đạt chuẩn sạch. Bởi chỉ có sạch mới có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc, mới làm minh bạch sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn, chứng minh cho người tiêu dùng sử dụng. Đây là điều tất yếu trong mua sắm hiện nay. Vì thế, tháng 7 vừa qua, Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thu hút các tập đoàn, công ty, trang trại trong nước đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc tham gia, trong đó Bình Thuận được 2 đơn vị. Ngoài ra, hiệp hội còn có sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài, mở ra thời của truy xuất nguồn gốc. 

    
  

  Người tiêu   dùng dễ dàng truy xuất thông tin về sản phẩm

    Truy xuất   nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng thu thập đầy đủ thông   tin về sản phẩm sử dụng hàng ngày, truy nguyên từ thành phẩm cuối cùng   về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân   phối thông qua điện thoại smartphone.

Bích Nghị