Xuất khẩu Thủy sản: Sẽ lao đao vì “thẻ vàng”
Kinh tế - Ngày đăng : 09:54, 03/11/2017
Chế biến hàng hải sản xuất khẩu. |
Nguy cơ giảm sản lượng hàng xuất khẩu
Trong dịp Hội chợ Vietfish 2017 tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp thủy sản đã bày tỏ quan ngại trước thông tin trên. Các doanh nghiệp đã kiến nghị ngành nông nghiệp - PTNT và Tổng cục Thủy sản sớm tìm ra các giải pháp để Việt Nam sớm ra khỏi danh sách quốc gia không hợp tác của EC. Đó là, xây dựng khung pháp lý và thực thi (xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế); quản lý đội tàu và năng lực khai thác; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát 3.500 tàu cá mang cờ Việt Nam đang khai thác trên biển (được biết Bình Thuận khoảng hơn 1.000 tàu cá sẽ được giám sát); xây dựng hệ thống chứng nhận thủy sản khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia hoạt động trên vùng biển quốc tế (tàu xanh)…
Việc bị “thẻ vàng” của EC sẽ tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản, cũng như ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và thị trường các nước khác. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Thaimex cho biết: “Khi bị “thẻ vàng” hoạt động xuất khẩu hải sản có thể xảy ra nhiều hệ lụy như: Xuất khẩu sang thị trường EU sẽ giảm vì khách hàng các nước EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC; làm xấu đi hình ảnh và uy tín, thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam; các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn khi bị EC giơ “thẻ vàng”; trong thời gian bị “thẻ vàng”, tất cả các container hàng hải sản xuất khẩu vào thị trường EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác và sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi; đồng thời, tốn chi phí kiểm tra, chưa kể phí lưu giữ tại cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng và rủi ro hơn nếu các container bị từ chối sẽ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp…”.
Đáng quan ngại là sau khi bị EC giơ “thẻ vàng” sẽ có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EC thì sẽ bị chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”. Điều đó đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản vào thị trường EU (hiện nay cả nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này chiếm 17%, khoảng gần 400 triệu USD/năm).
Được biết Bình Thuận nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, như: Công ty TNHH Hải Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt 45 triệu USD, trong đó xuất qua EU chiếm gần 40%; Công ty Thaimex xuất qua thị trường EU chiếm 35%; các doanh nghiệp khác xuất qua EU chiếm 20 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để trở lại “thẻ xanh”
VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết chung tay cùng Bộ NN&PTNT giải quyết các công việc liên quan ở khả năng cao nhất để tránh “thẻ vàng”. Những công việc được VASEP và cộng đồng doanh nghiệp cam kết là tham gia tích cực vào tổ công tác IUU; xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh truyền thông, cam kết chống khai thác bất hợp pháp; thiết lập quỹ hoạt động IUU của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản; thiết lập Trung tâm dữ liệu nghề cá phục vụ việc truy xuất nguồn gốc hải sản theo IUU. Đến đầu tháng 11/2017, Tổ công tác IUU VASEP sẽ làm việc với Ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận và một số địa phương khác để khảo sát tình hình, xây dựng phương án chống nạn đánh bắt bất hợp pháp, thực hiện báo cáo, quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác trên biển. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, giáo dục các chủ tàu không vi phạm vùng biển các nước lân cận; đồng thời tàu phải trang bị định vị; thực hiện ghi nhật ký đánh bắt từng chuyến biển và trên từng ngư trường, cảng cá phải quản lý được lượng hàng… để có cơ sở truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu.
LÊ THANH