“Trong cái khó, ló cái… hay”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 14/01/2022
Đó là lời giới thiệu trên livestream của một thành viên HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc) trong buổi tham dự lễ khai trương “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”. Buổi lễ được tổ chức trang trọng tại TP. Phan Thiết vài ngày trước, trong bối cảnh thị trường trái thanh long tươi đang vô cùng ảm đạm và du lịch Bình Thuận trong giai đoạn khởi động trở lại, đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán.
Theo lời giới thiệu của đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT trong buổi lễ: “Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh, đưa sản phẩm OCOP Bình Thuận đến gần hơn với người dân Phan Thiết, đặc biệt là khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại thành phố”. Quả thật, lâu nay thế yếu của dịch vụ du lịch Phan Thiết vẫn là thiếu điểm mua sắm, các dịch vụ du lịch đặc trưng. Do đó, trong hoàn cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, sự có mặt của một “điểm đến” tại khu du lịch dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ là sự kết hợp để bổ trợ nhau, cùng nhau phát triển. Về du lịch, Phan Thiết sẽ có thêm một điểm đến để tìm hiểu, tham quan và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận, thích hợp làm quà tặng. Với ngành nông nghiệp tỉnh, đây sẽ là cơ hội để các sản phẩm chất lượng có cơ hội quảng bá, được người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước biết đến. Sự kết hợp ấy đang dần mở ra những hướng đi mới, cánh cửa mới, trong bối cảnh “cái khó, ló cái hay”. Bởi trước thực tế “phũ phàng” của thị trường Trung Quốc thời gian qua (nhất là dịp cuối năm), khiến nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long điêu đứng. Ở thế khó, việc cần làm đã được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng là chế biến thanh long và phát triển ở thị trường nội địa. Riêng tại HTX thanh long sạch Hòa Lệ, ít nhất có 4 - 5 sản phẩm từ thanh long đạt OCOP được trưng bày, giới thiệu tại lễ ra mắt như rượu, mứt, nước cốt, thanh long sấy... để quảng bá sản phẩm, phục vụ du khách.
2. Về phía ngành nông nghiệp, thời gian qua, nhằm từng bước đưa sản phẩm OCOP của Bình Thuận đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở, ban, ngành làm việc với các đơn vị, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh bạn, cũng như tại các Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết, Co.op Mart Phan Rí Cửa. Và đến thời điểm này, qua 2 năm triển khai, Bình Thuận đã có 70 sản phẩm OCOP (trong đó năm 2020 có 56 sản phẩm và năm 2021 có 14 sản phẩm). Tại lễ khai trương “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”, trong số hơn 22 sản phẩm được trưng bày, có khá nhiều mặt hàng được chế biến từ thanh long như nước ép Bảo Long, rượu vang thanh long của HTX thanh long Hàm Đức; các sản phẩm chế biến từ thanh long của HTX thanh long sạch Hòa Lệ; tương đỏ và tương đen của cơ sở Ngọc Uyên; thanh long sấy dẻo của Công ty TNHH TMDV xuất nhập khẩu Bé Dũng…
Cách đây gần 5 năm, tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương phát kiến đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cùng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị Phát triển OCOP trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị đó, đã nhận diện Chương trình OCOP là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức triển khai, nhân rộng ra toàn quốc. Tại Bình Thuận, dù chỉ mới đạt kết quả nhất định, với số lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều. Tuy vậy, đây đang là hướng đi mới, góp phần giải quyết đầu ra và khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Song song, liên tục những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức nhiều diễn đàn để bàn hướng đi cho nông sản, nhất là thanh long. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất phát từ sự khó khăn, cam go về thị trường tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc, các bộ, ngành, địa phương mới quyết tâm “ngồi lại, bắt tay” với nhau để bàn bạc hướng đi bền vững, lâu dài hơn cho nông sản Việt. Trong đó, mấu chốt vẫn là chuyển hướng sang tiêu thụ chính ngạch, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và chế biến sâu.