Đuổi hổ, một biện pháp an dân của các vua Nguyễn

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:34, 14/01/2022

BT- Thế kỷ XIX, Nam Trung bộ là vùng đất hoang sơ, rậm rạp và rất nhiều thú dữ, trong đó có loài hổ. Hổ vì thế là nỗi khiếp sợ thường trực của nhân dân trong vùng. Biết được việc này, các vua đầu triều Nguyễn đã nhiều lần ra chỉ dụ cho nhân dân trong vùng săn bắt chúng.
san-ho-1.jpg
Người dân Trung kỳ đang chuẩn bị một cái bẫy để bắt hổ cuối thế kỷ XIX. Ảnh: Tư liệu.

Thời Nguyễn, 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận có tiếng là nhiều hổ. Theo ghi chép của Paul Doumer thì, hổ thống trị một cách tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía bắc và phía nam; do vậy, người Pháp gọi khu vực này là “vùng hổ”. Chẳng có ai khiến chúng e ngại hay dám khiến chúng e ngại. Lũ hổ vào làng hay chực bên bìa rừng nơi có con đường cái quan đi ngang qua để giết chết người làm thức ăn, thậm chí khi hết cơn đói chúng vẫn cắn xé thành từng mảnh theo bản năng. Lúc bấy giờ, người đương thời gọi là “hổ hoạn”.

Để trấn an dân chúng, triều đình nhà Nguyễn đã ra nhiều đạo dụ, sắc lệnh bắt hổ và thưởng công cho những người đuổi được hổ, thay dân trừ hại. Sách Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu cho biết, vào tháng 7 năm Kỷ Tỵ (1809), 3 huyện ở Quảng Trị thường bị hổ tấn công. Khi nhận tin trình báo từ quan chức địa phương, vua Gia Long (1802-1920) “truyền chỉ đem 200 dân làng Phú Bài và làng Thủy Ba đi bắt hổ”. Việc hoàn thành, trích ngân khố thưởng 100 quan tiền. Ngoài ra, còn cấp tiền, gạo cho những người làm nghề bắt hổ, để dân được sống yên ổn.

Những năm 1830, dọc đường các trấn Bình Định, Phú Yên vô tới Bình Thuận thường có nhiều hổ dữ gây ra tai nạn. Vua Minh Mệnh (1820 -1841) được tin “sai truyền chỉ cho các quan địa phương đều chiểu theo những đoạn đường cái thuộc hạt mình (quản lý) tùy nghi đặt kế, hoặc mộ những tay bắn giỏi, hoặc đặt ra hầm, cạm để trừ ác thú; chỗ nào cỏ cây rậm rạp thì phát quang đi”.

Đối với các dịch trạm trên đường cái quan, vua Minh Mệnh đã đặt ra điển lệ riêng trong việc trừ hổ hoạn. Với những địa phương có đường trạm đi ngang rừng núi, nhiều thú dữ thì triều đình “cấp cho 5 khẩu súng điểu sang, mỗi khẩu kèm theo thuốc đạn đủ 50 phát” để phòng bị trên đường chạy trạm. Nếu có công văn hỏa tốc thì “lính trạm liền đeo 1 - 2 khẩu súng đi, gặp thú dữ, bắn liền, hết đạn sẽ lại cho tiếp tục lĩnh”. Cuối năm làm sổ thống kê, dâng lên để triều đình biết và cấp phát tiếp. Nếu quan chức địa phương không làm hết trách nhiệm, để hổ làm hại đến dân, sẽ không tránh khỏi tội. Việc này từ đó (tháng 9/1831) ghi thành lệ để thực hiện về sau.

san-ho.jpg
Tranh thờ Ngũ hổ (tranh Hàng Trống).

Sống trong vùng có hổ dữ, người dân địa phương cũng đã tích lũy cho mình kinh nghiệm đi đêm. Trương Quốc Dụng trong sách Thoái thực ký văn có chép lại rằng: “Ở vùng Khánh Hòa, Bình Thuận phu trạm đi đêm gặp hổ, lấy roi quất, nhiều con bỏ chạy” vì “người ta nói hổ không sợ đao gậy mà sợ roi ngựa vì tính chất nhỏ, mềm và lanh lẹ, hễ nghe tiếng roi thì chân không dám vồ vì sợ quất trúng mắt”.

Để bảo vệ cho dân an cư lạc nghiệp trên những vùng đất mới, các vua Nguyễn sau khi lên cầm quyền đã có chính sách diệt trừ loài hổ nhằm bảo vệ cuộc sống người dân và đảm bảo cho công vụ được thông suốt. Tuy nhiên, sau khi diệt xong, hổ lại được người Việt lập đền thờ; hàng năm đến ngày 30 tháng chạp theo lệ phải tổ chức lễ tế để đổi lấy sự bình an trong năm mới.

Tham khảo:

Quốc sử quán triều Nguyễn. Quốc triều chính biên toát yếu. Nhà xuất bản Thuận Hóa: 1998.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục: 2002.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 3. Nhà xuất bản Giáo dục: 2007.

Trương Quốc Dụng. Thoái thực ký văn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn: 2020.

Trần Thế Pháp. Lĩnh Nam chích quái lục. Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 3 (văn học thế kỷ X - XIV). Nhà xuất bản Khoa học xã hội: 2004.

Paul Doumer. Xứ Đông Dương (hồi ký). Nhà xuất bản Thế giới: 2018.

ĐỖ THÀNH DANH