Vắc xin Covid-19: Câu chuyện về sự hy sinh và sẻ chia

Quốc tế - Ngày đăng : 16:18, 14/01/2022

BX- Vắc xin là công cụ quan trọng và cần thiết để giúp kiểm soát dịch bệnh khi kết hợp với công tác xét nghiệm và các biện pháp phòng ngừa. Phát triển một loại vắc xin an toàn và hiệu quả cần rất nhiều thời gian và công sức của rất nhiều người.
sarah-gilbert.jpg
Giáo sư Sarah Gilbert, mẹ đẻ của vắc xin AstraZeneca.

Nhưng nhờ quy mô đầu tư lớn chưa từng có vào những nghiên cứu, hợp tác và phát triển toàn cầu, các nhà khoa học đã phát triển thành công loại vắc xin chống lại đại dịch Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục, trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn và hiệu quả phòng bệnh.  

2 năm kể từ khi những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận đầu tiên tại các bệnh viện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Kể từ đó, loại virus chết người này đã nhanh chóng tàn phá khắp hành tinh, với số ca nhiễm lên đến hơn 266 triệu, trong đó có hơn 5,26 triệu ca tử vong. Nếu không nhờ vào sự phát minh phi thường của vắc xin, những con số này có thể đã cao hơn nhiều.

Hiện nay đang có 8 loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được cấp phép sử dụng ở hàng trăm quốc gia, bao gồm: Oxford/AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (Sputnik V), Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen, Hayat-yat và Abdala. Trong đó, vắc xin AstraZeneca do Đại học Oxford và hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca hợp tác nghiên cứu và phát triển đã được hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cấp phép lưu hành và sử dụng. Đây là loại vắc xin Covid-19 có số lượng mũi tiêm lớn nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vắc xin AstraZeneca có mức giá thấp nhất trong tất cả các loại vắc xin hiện nay, với khoảng 3 USD/liều. Nhóm nghiên cứu của Viện Jenner thuộc Đại học Oxford do nữ Giáo sư Sarah Gilbert đứng đầu đã nghiên cứu và bào chế thành công loại vắc xin này. Thay vì kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ từ bằng sáng chế vắc xin, nữ khoa học gia 60 tuổi cùng các cộng sự đã ủy quyền cho Đại học Oxford ký thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất và phân phối loại vắc xin này trên toàn thế giới, với cam kết không thu lợi nhuận. Mục đích của họ là chia sẻ công nghệ để vắc xin có thể được sản xuất ở tất cả mọi nơi với chi phí thấp. Cơ chế phân phối vắc xin công bằng toàn cầu COVAX đã đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin có sẵn để phân phối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021. Nhưng đến nay đã kết thúc năm 2021 mà họ vẫn chưa thể hoàn thành một nửa mục tiêu này do những trở ngại về nguồn cung.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến đầu tháng 12/2021 hơn 7,5 tỷ liều vắc xin các loại đã được tiêm trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4,5% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, so với hơn 90% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vắc xin ở các nước phát triển. 48% tổng số liều vắc xin được sử dụng cho đến nay đã được chuyển đến các nước có thu nhập cao, chỉ chiếm 16% tổng dân số thế giới. Sự mất cân bằng này đang khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro, khi virus tiếp tục lây lan mà không được kiểm soát, dẫn đến nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm hơn, mà cụ thể là biến thể Delta gây ra nhiều đợt bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới, hay siêu biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và một số nước châu Phi, nơi có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp nhất trên thế giới.

WHO đã nhiều lần kêu gọi các nước giàu chia sẻ vắc xin để đảm bảo sự cân bằng trong tiếp cận nguồn vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu và nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Tổ chức này cảnh báo việc tiếp cận vắc xin không công bằng sẽ làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu này, vì “không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn”. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đã hợp tác với chính phủ các nước để hỗ trợ việc phân phối vắc xin ở các nước đang phát triển, đồng thời tích cực vận động các nước giàu chia sẻ lượng vắc xin dư thừa để góp phần đẩy lùi đại dịch.

Phương Lan