Tết khác lạ của những ông “Tây” ở Phan Thiết

Đời sống - Ngày đăng : 09:41, 16/01/2022

BX- Một mùa xuân nữa đang “ùa về” trong những ngày dịch bệnh còn khá căng thẳng tại thành phố biển Phan Thiết nói riêng và cả nước nói chung, khiến cái tết bất chợt trở nên “ngỡ ngàng” và có chút “hụt hẫng” với nhiều người.

Trong số ấy, những vị khách nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Phan Thiết đã trải qua những điều chưa từng thấy, họ đã có dịp nếm trải một cái tết hoàn toàn khác lạ so với những năm trước.

Phải nói năm 2021 là năm mà Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Việc đi lại giữa các nước trở nên khó khăn cũng đã đành, người ở tỉnh này sang tỉnh khác hay thậm chí ở xã này sang xã khác cũng là một vấn đề nan giải trong những ngày của đỉnh dịch vào tháng 8 - 9. Những vị khách nước ngoài bắt đầu hiểu và thích ứng với các chỉ thị và nghị định của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

khach-nga-1.jpg
Artem Babuiante - du khách Nga

Trong những ngày thành phố Phan Thiết bị phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Phan Thiết đã có những trải nghiệm rất khác về cuộc sống nơi đất khách khi dịch bệnh “ập đến”. Giờ đây, mọi người đều có chung một ước mong là dịch bệnh được đẩy lùi, để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường và đón một cái tết “rất Việt Nam” mà họ đã từng trải nghiệm trong những năm trước.

Anh Artem Babuiante (34 tuổi), quốc tịch Nga, đến Phan Thiết để du lịch và dạy lướt ván nước vào đầu năm 2020. Khi đến đây, Artem Babuiante chỉ có ý định trải nghiệm vùng đất được mệnh danh là “Thiên đường thể thao nước” này khoảng vài tháng, thế nhưng dịch bệnh bùng phát khiến anh không thể trở về nước. Trong những ngày đầu tháng 8, nơi anh trọ có ca F0 nên cả khu phố bị phong tỏa “cứng”, khiến anh không thể đi đâu ngoài nơi mình đang sinh sống. Những ngày ấy, thời gian rảnh rỗi khá nhiều nhưng lại không thể đi kiếm tiền để chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình và sự tiếp tế nhu yếu phẩm của người dân địa phương, anh và nhiều người nước ngoài cùng cảnh ngộ khác có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy. Khi được hỏi về tình người trong đại dịch, Artem Babuiante bày tỏ sự cảm động sâu sắc trước tấm chân tình của người dân xứ biển nơi đây.

khach-nga.jpg
Johny Brohar – du khách Nga.

Cùng cảnh ngộ với Artem Babuiante, anh Dhruv Chana, quốc tịch Ấn Độ cũng bắt đầu quen dần với các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ trong những ngày thành phố Phan Thiết nói riêng và Việt Nam nói chung đang “gồng mình” chống dịch. Vốn là một giáo viên dạy Yoga, nhưng nay các cơ sở thể dục thể thao đều ngưng hoạt động nên anh không tìm được công việc đúng chuyên môn. Vì thế, anh quyết định sử dụng khoảnh đất trống trong nhà làm nơi trồng rau, nuôi gà, thả cá. Nhờ có vợ là người bản xứ nên anh cũng không quá khó khăn để làm quen với công việc nhà nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này. Anh đã cùng vợ con đón nhiều cái tết truyền thống ở Việt Nam, nhưng chưa lần nào anh chứng kiến một cái tết lạ lẫm như năm nay. Có lẽ anh sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh thân thương của những lực lượng tuyến đầu chống dịch khi còn ở trong các khu cách ly tập trung, vì có lần vào Bình Dương công tác thì bị mắc kẹt ở đó hơn 3 tháng.

Không may mắn như Artem Babuiante hay Dhruv Chana, người đàn ông mang quốc tịch Nga Johny Brobar, không dễ dàng có được việc làm khi vô tình “mắc kẹt” ở Việt Nam. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, người khác muốn giao tiếp với anh đều phải dùng tiếng Nga hoặc ra ký hiệu anh mới hiểu được. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng người Nga ở Mũi Né, anh làm quen dần với cuộc sống nơi đất khách quê người. Giờ đây, anh đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 và việc đi lại cũng trở nên dễ dàng hơn. Anh thổ lộ: “Tôi rất ngưỡng mộ sự chấp hành và tuân thủ các quy định phòng chống dịch của người Việt Nam. Tôi đã quen dần với việc đeo khẩu trang nơi công cộng và giữ khoảng cách với người xung quanh, đồng thời không còn thói quen tụ tập như trước đây nữa. Đây là những trải nghiệm chưa từng có, và tôi nghĩ sẽ là ấn tượng mãi không quên những ngày sống trong khu phong tỏa ở Mũi Né”.

Những câu chuyện trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều du khách nước ngoài “mắc kẹt” ở Phan Thiết, Bình Thuận trong năm qua. Mong ước duy nhất của họ lúc này vẫn là một năm mới với nhiều thay đổi tích cực hơn năm cũ, dịch bệnh sớm được kiểm soát trên thế giới và họ được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Mỹ Thiện