Văn hóa là hồn cốt của dân tộc

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 10:14, 16/01/2022

BX - Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, được tổ chức tại Hà Nội. Một sự kiện lớn của đất nước được đông đảo người dân quan tâm, không chỉ những người làm trong ngành văn hóa.
van-hoa-2-.jpg
Múa Chăm. Ảnh: Đ.Hòa

1. Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, nền văn hóa Việt Nam đã hình thành, phát triển cùng non sông. Hiếm có quốc gia nào mà nền văn hóa vẫn giữ được bản sắc của dân tộc, không bị đồng hóa bởi giặc phương Bắc, không khuất phục trước súng, đạn, bom nguyên tử, của thực dân, đế quốc. Tất cả giặc ngoại xâm khi đến nước ta đều thất bại vì họ không hiểu được văn hóa, con người Việt Nam.

Văn hóa còn thì dân tộc còn – như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam là một đất nước có hàng ngàn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nghĩa tình, tiến bộ. Một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa là điều mọi người cần hướng đến. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi!

van-hoa-1-.jpg
Trống Ghi năng. Ảnh: Đ.Hòa

2. Đặt văn hóa ngang với kinh tế, chính trị, xã hội là yêu cầu mới được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với quan điểm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Xây dựng văn hóa trong kinh tế không chỉ được xét trên mặt vật chất đơn thuần, mà còn phải bao hàm cả về mặt văn hóa, tinh thần của xã hội. Xây dựng văn hóa kinh tế quan trọng nhất là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Đảng ta nêu quan điểm xây dựng “chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính, hỗ trợ cho phát triển văn hóa. Đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng cho hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung.

Vì vậy, nói văn hóa là một phạm trù rất rộng, phong phú, đa dạng quả không sai. Văn hóa Việt Nam đã trở thành hồn cốt của dân tộc.

Công Nam