Lão ông 88 tuổi với biệt tài chép tay như in

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 15:35, 16/01/2022

BX - Tưởng rằng ông sẽ nhớ nhớ, quên quên, ai ngờ ông Phạm Ngọc Thuận (SN 1931) - xã Bình Thạnh - huyện Tuy Phong lại nhớ như in, kể vanh vách về những kỹ thuật điêu luyện cũng như những tác phẩm độc đáo mình tạo nên cách đây hơn 50 năm.
88-tuoi-1-.jpg
Ông Thuận kể lại nghệ thuật viết chữ “độc nhất vô nhị” của mình.

Gặp ông trong căn tự đường được xây dựng từ năm 1903 ở Bình Thạnh, dù khá đơn sơ, xập xệ nhưng nơi đây đã sinh ra một nghệ sĩ tài hoa hiếm thấy với bút pháp điêu luyện có 1 không 2. Cơ duyên đưa ông Thuận đến với nghệ thuật chép tay đẹp như in là vào năm ông 36 tuổi, lúc ông không may bị tai nạn giao thông. Trong thời gian nằm nhà dưỡng thương, ông vô tình thấy 1 trang báo của Liên hiệp Anh thời điểm đó có chữ viết kỳ lạ. Để giết thời gian, ông dùng ngòi bút sắt, bơm mực Pelikan của Đức rồi miệt mài tập. Càng viết, càng mê và càng không tin mình có thể viết chữ y như trang báo, mà người ngoài nhìn vào cứ ngỡ chữ in.

Hồi tưởng lại cách đây 50 năm, ông Thuận hào hứng kể tôi nghe nghệ thuật viết chữ công phu của mình.

“Để hoàn thành 1 trang chép tay như in, tôi còn phải chia cột, chừa lề sao cho thật thẳng và đều nhau, chưa hết phải có kỹ thuật viết thụt lùi từ phải qua trái để các chữ đều nhau. Có như vậy, nhiều người xem qua không ai tin là sách viết tay, vì đều tăm tắp như canh lề trên máy tính và không sai 1 lỗi nhỏ”. Năm 1968, ông Thuận bắt tay viết những trang đầu tiên của cuốn “Việt Nam danh nhân tự điển”. Với cách viết kỳ công, tỉ mỉ như thế, mãi đến năm 1975, ông chỉ mới hoàn thành một nửa cuốn sách dày 1.000 trang.

88-tuoi-3-.jpg
Trang sách viết bằng tay đẹp như in với ngòi bút sắt ông còn lưu giữ.

Ngoài những bút tích công phu ấy, ông Thuận còn khiến nhiều người kinh ngạc vì những bức tranh độc lạ khác, với kỹ thuật chấm từng nét một bằng ngòi bút bén như kim. Đưa tôi xem bức tranh ông chụp chung với Bác Hồ, ông hỏi tôi thấy có gì khác so với hàng vạn bức tranh về Bác. Rồi ông chậm rãi giải thích: “Nội dung của bức tranh này là: Bác nói, Bác nghe và Bác nghĩ! Khi xem tranh của tôi, phải soi kính lúp mới hiểu hết cái hồn mà người vẽ muốn truyền tải. Soi vào miệng của Bác sẽ thấy dòng chữ Không có gì quý hơn độc lập tự do; soi vào tai sẽ thấy dòng chữ Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch vĩ đại, nhớ ơn và soi lên trán sẽ là dòng chữ trung với Đảng, hiếu với dân!”. Cách vẽ tranh độc nhất vô nhị này khiến ông Thuận phải mất 3 năm mới hoàn thành, đúng vào ngày 19/5/1980.

Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh đã nhận định: “Đây là một thiên tài đặc biệt và là một nghệ sĩ thật đáng lưu tâm để giới thiệu. Xin tán thán nhà nghệ sĩ kiêm tu sĩ Phạm Ngọc Thuận. Đừng để tài ba hiếm có bị mai một”.

Minh Vân