Du lịch Bình Thuận: Thắp hy vọng trong năm mới
Kinh tế - Ngày đăng : 16:12, 16/01/2022
Phía xa khơi vẫn một màu xanh thẳm phân chia nửa biển thấp thoáng con thuyền, nửa trời lửng lờ mây trôi… Hình ảnh vốn dĩ là đặc trưng và tạo sức hấp dẫn cho du lịch Bình Thuận, nhưng do tác động của đại dịch nên điểm đến này đang cố gắng từng ngày để mở cửa đón khách trong giai đoạn bình thường mới.
Nỗ lực phục hồi…
Nhận clip ngắn ngẫu hứng quay bằng smartphone trong lần đi viết bài về du lịch mùa dịch mà tôi chia sẻ, nhiều người bạn ở Sài Gòn gọi điện thổn thức: “Bao lâu rồi chưa quay lại, nhớ quá Bình Thuận ơi!”. Và hầu hết trong số đó khẳng định sẽ sớm “xách ba lô và đi” ngay khi điều kiện cho phép. Bởi sau thời gian bí bách do thực hiện giãn cách xã hội, giờ rất thèm cảm giác yên bình ngắm biển, thưởng thức các món hải đặc sản tươi ngon… Còn người quen định cư bên châu Âu thì nhận định: “Đây chính là chốn nghỉ dưỡng tuyệt vời mà bất kỳ ai cũng mong có được kỳ nghỉ dưỡng thời hậu đại dịch. Để qua đó xua tan những căng thẳng, mệt mỏi và cả áp lực công việc lẫn sự kìm nén xu hướng xê dịch đến vùng biển nhiệt đới, tránh xa giá rét khắc nghiệt mùa đông”.
Giờ khi năm cũ dần qua, tôi khấp khởi thông tin đến mọi người rằng du lịch Bình Thuận đã “hé cửa” thí điểm đón khách trở lại từ cuối tháng 10/2021 với ban đầu chỉ có 3 cơ sở lưu trú đủ điều kiện. Một tháng sau, danh sách tham gia đón khách nội địa tăng lên 20 cơ sở và cứ thế tiếp tục tăng thêm khi ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đáp ứng tiêu chí an toàn trong hoạt động.
Đó là tín hiệu phục hồi rất tích cực bởi trước tác động từ Covid - 19, thời gian qua du lịch Bình Thuận đã gánh chịu thiệt hại nặng nề, cho đến nay vẫn chưa thể thống kê đầy đủ. Đặc biệt trong đợt bùng dịch lần thứ 4, hoạt động ở lĩnh vực gần như “đóng băng”, chỉ có số ít cơ sở còn phục vụ khách lưu trú dài ngày trước đó, hoặc đối tượng khách đăng ký cách ly tập trung.
Thắp lên hy vọng
Sau đại dịch, giới chuyên ngành dự đoán sẽ có làn sóng du lịch “bù đắp” cho thời gian dài mắc kẹt vì thực hiện giãn cách xã hội, hoặc bị hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Và hơn hết, du lịch nghỉ dưỡng giờ đây được xem là hình thức chăm sóc bản thân, cải thiện tinh thần lẫn sức khỏe tốt nhất để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống sau những gì xảy ra liên quan đến dịch Covid- 19.
Với thế mạnh nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao giải trí trên biển, du lịch Bình Thuận sẵn sàng bắt nhịp không khí sôi động trở lại theo tiêu chí “An toàn - thân thiện - chất lượng” trong giai đoạn bình thường mới. Thêm nữa, điểm đến Bình Thuận còn tăng sức cạnh tranh khi các công trình giao thông trọng điểm đang đẩy nhanh thi công, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ. Nhờ đó khách du lịch được thuận lợi và rút ngắn thời gian di chuyển đến chốn nghỉ dưỡng “biển xanh - cát trắng - nắng vàng” bằng đường hàng không (Sân bay Phan Thiết), đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh)… Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút khách nội địa, ngành cũng tính đến phương án đón và phục vụ khách nước ngoài vào thời gian tới. Qua đó sớm đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Bình Thuận vào danh sách các điểm đến được đón khách du lịch quốc tế trong năm 2022.
Dự báo khi bước vào giai đoạn bình thường mới, du lịch golf - loại hình du lịch cao cấp, kết hợp chơi golf cùng tham quan điểm đến và nghỉ dưỡng sẽ là sản phẩm hợp xu thế vì an toàn, hạn chế tiếp xúc. Điều đó tạo ra cơ hội giúp Bình Thuận thu hút lượng khách du lịch có chi tiêu cao với yêu cầu được chơi trên những sân golf đẳng cấp quốc tế, địa thế hướng biển gắn liền các khu nghỉ dưỡng sang trọng… Quyết tâm đưa hoạt động du lịch trở lại sôi động và đảm bảo an toàn cho du khách, Bình Thuận cũng rất nỗ lực tăng tốc đạt độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đối với tất cả lao động của ngành và trong cộng đồng. Chính vì vậy, điểm đến thuộc vùng đất cực Nam Trung bộ có thể thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả khi “mở cửa” hoàn toàn để phục vụ các đối tượng du khách…
Trụ cột kinh tế
Trong niềm hân hoan đón những vị khách đầu tiên quay trở lại, ngành du lịch Bình Thuận còn nhận thêm tin vui: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu thu hút du khách đến Bình Thuận nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu cao hơn… và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời xúc tiến xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trên địa bàn Bình Thuận.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, tới đây địa phương tập trung phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế cũng như tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận với các địa phương trong nước và trên thế giới. Cùng với hạ tầng giao thông đối ngoại dần được hoàn thiện thì việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, năng lực, kinh nghiệm để triển khai thêm những dự án “điểm nhấn” cũng được tính đến. Song song đó sẽ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm theo định hướng: Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch văn hóa; Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE; Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; Du lịch cộng đồng…
Vững tin vào tương lai mà trước mắt là năm 2022, Bình Thuận vừa đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế có 220.000 lượt), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng… Dù biết rằng còn phụ thuộc diễn biến hình hình dịch bệnh, nhưng du lịch sẽ thể hiện vai trò trụ cột kinh tế bằng con đường: Phát triển chuyên nghiệp, bền vững, an toàn gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.
Với thế mạnh nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao giải trí trên biển, du lịch Bình Thuận sẵn sàng bắt nhịp không khí sôi động trở lại theo tiêu chí “An toàn - thân thiện - chất lượng” trong giai đoạn bình thường mới.