Hành trình kết nối yêu thương của Gắng
Đời sống - Ngày đăng : 16:17, 16/01/2022
Mỗi lần đến là một lần nhói thương
Trong một lần đi làm từ thiện với một nhóm thiện nguyện TP. Hồ Chí Minh, ở Làng May Mắn của quận Bình Tân. Tại đây, Gắng đã xót xa với hình ảnh những trẻ em và người khuyết tật kém may mắn. Ngộ ra được người nghèo rất cần sự sẻ chia, dù đó là những nụ cười cảm thông và lời động viên chân thành đến họ. Vậy là như cái duyên, Gắng bắt đầu làm từ thiện đến giờ.
Mỗi tuần đều dành thời gian đến với mái ấm nhỏ để được nhìn các em cười, để bọn trẻ không cảm thấy đơn độc vì thiếu vắng. Gắng tham gia vào nhóm công tác xã hội Hạt Cát Vàng ở TP. Hồ Chí Minh, cũng là để có cơ hội giúp người nghèo. Suốt 8 năm qua, gần như Gắng đã đến không biết bao nhiêu vùng đất, gặp và trao yêu thương không biết bao nhiêu người nghèo. Mỗi lần đến với vùng nghèo là một lần nhói thương bọn trẻ.
Từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, lên đến miền Trung – Tây Nguyên. Đi đến đâu, Gắng cùng với nhóm kêu gọi đến đó. 20 chiếc cầu bê tông cho người dân vùng sông nước ở các tỉnh miền Tây được nhóm Gắng vận động đã hoàn thành trong 2 năm qua với kinh phí xây dựng 1,8 tỷ đồng đã giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, đó là niềm vui không gì bằng của những tấm lòng hảo tâm. Không chỉ xây cầu, Gắng còn kết nối với nhiều nhóm từ thiện khác vận động tặng quà cho người nghèo, tặng cơm miễn phí đều đặn hàng tuần cho bệnh nhân nghèo, hay đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn… Những ngày nóng bỏng của đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng tấn rau, củ và nhu yếu phẩm đã được Gắng cùng nhóm vận động hỗ trợ bà con ở Sài Gòn và Bình Thuận. Gắng cho biết, những chuyến từ thiện về vùng xa bao giờ cũng đi trong đêm, sáng bảnh mắt là đã có mặt nơi mình đến. Đường sá lầy lội, trơn trượt phải lội bộ hàng cây số mới đến điểm phát quà. Không chỉ tặng quà, nhóm còn kết hợp khám bệnh, cắt tóc, tổ chức vui chơi cho trẻ em nghèo. “Nhiều trẻ em dân tộc S’ tiêng ở Kom Tum cứ thấy người lạ là chạy trốn, khó khăn lắm mới kêu các em đến cắt tóc hay cho bánh, kẹo. Có em quen đi chân đất, đưa dép không biết mang, tóc tai bết lại cứng ngắt…”, Gắng kể.
Nối dài niềm vui sau mỗi chuyến đi
Làng chài Hòa Thắng (Bắc Bình), nơi Gắng sinh ra và lớn lên vẫn còn nhiều cảnh đời khó khăn. Nên dù đã về Bình Thuận lập nghiệp, song Gắng vẫn luôn kết nối với nhiều nhóm từ thiện ở Sài Gòn để san sẻ yêu thương với người dân quê mình cũng như các địa phương trong tỉnh. Những ngày này, khi Tết Nguyên đán đã cận kề tới, Gắng luôn bận rộn với những chuyến thiện nguyện. “Tết năm nay em sẽ vận động nhiều hơn với mọi năm, để bà con nghèo có cái tết trọn vẹn thêm chút, dịch bệnh đã khiến nhiều người quá khó khăn”, Gắng cho biết. Trước hết là cùng với Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Bình tổ chức 2 gian hàng chợ nhân đạo, tặng quà tết cho người nghèo xã Tiến Thành và một số nơi khác. “Nhiều người còn quan niệm làm từ thiện là phải có nhiều tiền, nhưng em thì khác, chỉ cần mình có tâm, dành hết yêu thương và không ngại khó để kết nối với những tấm lòng tử tế là đủ”, Gắng cho biết.
37 tuổi, cả thời gian dài chắt chiu và lan tỏa yêu thương, biết bao điều tốt đẹp đến với người nghèo, đam mê ấy với Gắng vẫn chưa bao giờ tắt. Mang đến yêu thương và nhận lại những yêu thương, những chuyến từ thiện đến với người nghèo cứ thế nối dài niềm vui cho họ. Và đâu đó, sự lan tỏa việc làm tốt đang được cộng đồng đón nhận và tiếp tục phát huy trong năm mới. Đó cũng là ước nguyện của Gắng - một “đại sứ” của người nghèo như nhiều người từng dành cho anh.
Sẽ không có lý do gì để mình ngừng làm từ thiện, cho đi là còn mãi. Sau mỗi chuyến đi, đôi chân của tôi dường như cứng rắn, có thêm nhiều trải nghiệm sống để trưởng thành hơn, nhất là được nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc từ người nghèo…
Ngô Xuân Gắng chia sẻ.