Người lính già nhân hậu
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 17/01/2022
Khi ấy, người mà tôi nghĩ ngay đến là Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ông có 10 năm chiến đấu giúp bạn, chắc chắn sẽ có nhiều kỷ niệm hay.
Ông quê gốc ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, nơi có Chiến khu Lê Hồng Phong bất khuất, kiên cường được thành lập từ kháng chiến chống thực dân Pháp và tham gia du kích từ rất sớm. Năm 1962, ông nhập ngũ vào Đại đội 440 Hòa Đa. Hơn 10 năm chống Mỹ, 10 năm chiến đấu giúp bạn Campuchia, năm 1989, ông được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận. Về hưu năm 1999, ông tiếp tục là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Thuận từ 2005 đến năm 2018.
Khi chúng tôi bước vào nhà, giản dị trong bộ đồ bộ đội màu cỏ úa trước đây, dáng người nhỏ nhắn minh mẫn, nhanh nhẹn ông vồn vã tay bắt mặt mừng, cười nói râm ran. Đặt ly trà xuống bàn, ông cho chúng tôi biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận cũng là một trong những chiến trường ác liệt và gánh chịu hậu quả nặng nề của vũ khí hóa học. Từ năm 1962 - 1970, quân đội Mỹ đã rải xuống Bình Thuận khoảng 2,6 triệu lít chất độc hóa học, trong đó khoảng 1,9 triệu lít chất độc da cam (chiếm 74%), chất trắng trên 400 ngàn lít, chất xanh trên 160 ngàn lít và một số chất khác khoảng gần 60 ngàn lít. Hậu quả, di chứng vẫn còn dai dẳng đến hôm nay và nhiều năm sau. Hiện nay, Bình Thuận vẫn còn hơn 6.000 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Các nạn nhân và gia đình họ không chỉ phải chịu đựng nỗi đau về thể xác, mà còn cả những nỗi đau về tinh thần và những khó khăn về vật chất. Hầu hết họ là người nghèo, không nghề nghiệp, việc làm không ổn định. Đó là những người thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi. Đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nói đến đây, đôi mắt Đại tá Tâm rơm rớm nước, nghèn nghẹn, cảm thương. Giữa khoảng không gian trầm lặng, tôi tranh thủ quan sát căn nhà. Đồ đạc bày biện đơn sơ, ngăn nắp. Trên tường treo kín huân chương, bằng khen, giấy khen của ông. Một bức ảnh được phóng to, chụp đại tá và các đồng đội bên tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam khi trở lại thăm Campuchia năm 2006 và một số bức ảnh đã ố vàng được cắt ở một số tờ báo khi công bố thành lập Tiểu đoàn 15 quân tình nguyện của tỉnh Bình Thuận sang giúp bạn Campuchia.
Mấy năm nay, Đại tá Nguyễn Thành Tâm xin nghỉ chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin của tỉnh bởi phải nhiều lần đi nằm viện dài ngày vì vết thương và tuổi già. Ông bảo, mình không còn đủ sức khỏe xin nghỉ để bọn trẻ nó làm, khỏi cản trở công tác Hội. Nói vậy thôi, chứ ý chí, nghị lực, sức cống hiến của “Bộ đội Cụ Hồ” trong ông cứ hừng hực, còn sức khỏe thì còn tiếp tục. Mỗi khi bệnh tật thuyên giảm, ông lại ngược xuôi tìm đến với những nạn nhân da cam/dioxin, những đồng đội còn khó khăn để hỏi thăm, giúp đỡ. Nhiều lần đi về mệt mỏi, ông bị vợ con cằn nhằn, la rầy. Nhưng được vài hôm đâu vào đấy, ông lại tiếp tục đi. Với tấm lòng trong sáng, trách nhiệm, không một chút vụ lợi, Đại tá Tâm đã vận động, kêu gọi các tổ chức, các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ cho các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh. Suốt khoảng thời gian hơn 12 năm làm Chủ tịch Hội, ông đã vận động các tổ chức, mạnh thường quân được hơn 22,5 tỷ đồng, tặng 31.740 phần quà, 189 xe lăn, làm hồ sơ cho 462 trường hợp vay vốn không tính lãi, đề nghị trợ cấp hàng tháng cho 822 đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, ông thường xuyên, chủ động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động cụ thể chia sẻ nỗi đau da cam với nhiều đối tượng, nhiều gia cảnh, nhiều phận đời éo le như việc giúp cựu chiến binh Nguyễn Quàng. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng gia đình chưa có một ngày “hòa bình” đúng nghĩa. Di chứng chất độc da cam để lại cho người con trai Nguyễn Văn Hoàng, từ khi sinh ra luôn ốm đau, bệnh tật. Khi anh Hoàng lập gia đình, người con của anh, cháu nội đích tôn của ông Nguyễn Quàng ngay lúc sinh đã không cười, không nói, chân tay bại liệt. Và cứ thế, cái nghèo, cái khó theo đó đeo đẳng họ. Căn nhà anh Hoàng dùng che nắng, che mưa, nay lại thêm bàn thờ người cha Nguyễn Quàng vì không chịu đựng nổi mười vết thương trong cơ thể và sự tàn phá của chất độc da cam. Xót xa, ông đã vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm cùng 1 tháng lương hưu đại tá của mình để giúp cho gia đình anh Hoàng xây căn nhà khang trang, ấm áp hơn, có nơi thờ cúng người cha. Rồi trường hợp của bà Lê Thị Lại, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Một mình bươn chải khắp hang cùng, ngõ hẻm lượm chai lọ bỏ đi đem bán để có thêm tiền nuôi người con gái 40 tuổi bị nhiễm chất độc da cam, nay lại nuôi thêm một cháu bé bị bỏ rơi mà trong một lần đi lượm ve chai bà phát hiện. Thương cháu nhỏ, bà lặng lẽ bế về nhà, mua sữa chăm nuôi. Đoàn thể địa phương đề nghị bà đưa cháu đến tổ chức xã hội nuôi dưỡng, nhưng bà không chịu, cốt để cháu có tổ ấm gia đình. Biết được hoàn cảnh, Đại tá Nguyễn Thành Tâm đã vận động nhà hảo tâm xây tặng bà căn nhà tình thương, đồng thời tặng thêm 7 triệu đồng tiền mặt của chính bản thân và đề nghị chế độ trợ cấp để bà có thêm thu nhập nuôi dưỡng 2 con.
Đó chỉ là 2 trong số 127 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn thời gian qua Đại tá Tâm vận động giúp đỡ, xây dựng 127 căn nhà tình nghĩa. Trên dải đất Bình Thuận này, Đại tá Nguyễn Thành Tâm đã đi tới mọi ngóc ngách từ Chiến khu Lê - Bắc Bình đến Tánh Linh, Bắc Ruộng, từ Hàm Chính, Hàm Liêm đến Đông Giang, Đông Tiến… để nắm, thăm hỏi và tìm cách giúp đỡ các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thấy hoàn cảnh nào chưa vận động giúp được, ông vô cùng day dứt băn khoăn. Những lần tiếp xúc với gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông nhận thấy nghị lực, lòng nhân ái, bao dung của họ thật phi thường, nó thôi thúc ông làm bao nhiêu cũng không đủ để giúp đỡ họ. Gần 80 tuổi đời, gần 40 năm tuổi quân; hơn 12 năm làm công tác hội, ông về hưu nhưng không nghỉ ngơi mà tiếp tục cống hiến, mong đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Mọi người yêu mến gọi Đại tá Nguyễn Thành Tâm bằng cái tên trìu mến “Ông Già Da Cam”, còn riêng tôi, ông là người lính già nhân hậu.
Còn rất nhiều chuyện nữa về ông mà trong khuôn khổ bài viết ngắn này sao có thể chuyển tải hết được. Vì vậy, mọi người hãy đến gặp ông, để cảm nhận sự bao dung, nhân hậu của người lính Cụ Hồ, để tình yêu thương lan tỏa, để chúng ta tiếp nối hành trình của Đại tá Nguyễn Thành Tâm chăm lo cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, cho các gia đình khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống hôm nay.