“Ở đâu cũng thực hiện nhiệm vụ…”

Xã hội - Ngày đăng : 08:23, 17/01/2022

BX- Những cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Bình Thuận - những người đã gánh phần hơn cả gian khổ - là hiểm nguy chực chờ để sát cánh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch Covid -19, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia ở biên giới Tây Ninh. Sự dấn thân của họ đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo cho hậu phương vui xuân, đón tết vẹn tròn.
quoc-lanh-2-.jpg
Binh nhất Trương Quốc Lành – những ngày ở biên giới Tây Ninh.

3 lần viết đơn tình nguyện

Màn hình điện thoại hiện lên dòng tin nhắn của người anh ở Biên phòng Tây Ninh: “Em có biết ở Bình Thuận có 1 chiến sĩ biên phòng tăng cường cho Tây Ninh đã 3 lần viết đơn tình nguyện xin được tiếp tục ở lại biên giới để chống dịch hay không?” - Ngay sau câu hỏi trên, bằng các mối quan hệ có được, chúng tôi được biết đó là binh nhất Trương Quốc Lành – thuộc Đồn Biên phòng Hòa Minh, huyện Tuy Phong.

Những ngày cuối năm, không khí xuân đã bắt đầu chớm nở trên các nẻo đường. Trên “con ngựa sắt”, hướng về Tuy Phong, chúng tôi đã có dịp gặp Lành sau khi em trở về từ Tây Ninh.

Dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, Lành kể cho chúng tôi nghe: Tháng 9/2020, em được điều động tăng cường đến Đồn Biên phòng Chàng Riệc (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để thực hiện nhiệm vụ. Nơi đó, hàng ngày em cùng với đồng đội chia ca trực, thay phiên nhau canh gác 24/24h tại các chốt; đi kiểm tra kiểm soát biên giới, các đường mòn, lối mở… “Chúng em cũng tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Đồng thời tích cực tuyên truyền, giúp bà con phòng, chống dịch bệnh” – Lành chia sẻ.

3 tháng trôi qua, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân gắn bó đã giúp Lành quyết tâm viết đơn tình nguyện xin được tiếp tục ở lại. Lành nhớ lại: Lần đầu tiên em xin tình nguyện ở lại với đơn vị là cuối tháng 12/2020. Lần thứ 2, đúng vào dịp ngày 3/3/2021 - Ngày truyền thống lực lượng Biên phòng. Và lần thứ 3 đó là cuối tháng 6/2021.

Tại sao em liên tục viết đơn tình nguyện ở lại Tây Ninh mà không trở về Bình Thuận cho gần nhà? –Tôi hỏi. “Lính mà chị, ở đâu cũng thực hiện nhiệm vụ như nhau thôi. Mỗi đợt có chiến sĩ mới tăng cường, đơn vị đều phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn làm quen địa hình, nắm rõ địa bàn mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, em cũng đã nắm rõ hết rồi nên em muốn được tiếp tục cống hiến…’’- Câu trả lời rất dứt khoát của Lành khiến tôi cảm thấy rất vui, bởi đâu phải thanh niên nào cũng có suy nghĩ như Lành.

“Đến lần thứ 4, em vẫn làm đơn tình nguyện ở lại nhưng các chú, các anh trong đơn vị động viên trở về. Hiện nay, em vẫn đang nỗ lực chấp hành và hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công. Nếu Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Thuận có điều động đi đâu nữa, em cũng sẽ sẵn sàng đi!” – Sau câu nói, ánh mắt của Lành sáng ngời lên và đầy mãnh liệt.

Sẽ là mùa xuân “đặc biệt”

Đại úy Trần Quang Dương, cán bộ Biên phòng tỉnh Bình Thuận đang tăng cường tại Đồn Biên phòng Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh kể cho chúng tôi nghe: Những ngày cuối năm, dọc theo tuyến biên giới Tây Ninh có nhiều cánh đồng xanh mượt. Những cánh đồng lúa đông xuân mơn mởn đang reo đùa trong gió xuân. Thế nhưng, chốt canh trực nơi anh đóng quân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là điện và nước sinh hoạt.“Thời tiết trên tuyến biên giới này cũng gây nhiều khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng chúng tôi. Ban ngày trời nắng gắt, đêm về mưa nặng hạt. Chòi canh gác được dựng bằng những tấm tôn, bạt, nên khi mưa to, gió lớn cán bộ, chiến sĩ ai nấy cũng đều bị ướt”, anh Dương kể.

Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới khá dài với nước bạn Campuchia, có nhiều đường ngang, lối mở, nhiều tuyến đường băng ngang qua rừng… nên nguy cơ dịch Covid -19 xâm nhập rất cao. Đây cũng là một trong những địa phương được xác định là trọng điểm của cả nước trong đấu tranh ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Hơn 2 năm qua, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã tăng cường, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tuần tra kiểm soát trên các đường mòn, lối mở biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Cũng vì thế mà tết này, nơi biên giới Tây Ninh có nhiều chiến sĩ, cán bộ Biên phòng Bình Thuận đón xuân trong tâm thế giữ vững vùng phên giậu cho Tổ quốc.

Đây là lần thứ 2 đại úy Lê Sỹ Minh (sinh năm 1981, BĐBP tỉnh Bình Thuận) tăng cường đến Tây Ninh. Anh cho biết: Từ khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều tháng rồi anh chưa về nhà. 2 đứa con nhỏ thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi tình hình của anh. Câu hỏi “khi nào ba về?” tưởng chừng trả lời đơn giản mà không thể nào trả lời được.

Anh Minh chia sẻ: “Tết xa nhà là “chuyện đã thành quen”. Thế nhưng đây lại là một mùa xuân đặc biệt, bởi dịch Covid-19 đang hoành hành. Bản thân tôi chỉ mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi, người dân có cuộc sống bình yên. Chúng tôi sẽ có điều kiện về thăm gia đình. Khi ấy, sẽ là mùa xuân của chúng tôi”.

Một mùa xuân mới lại về, mang theo niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân sớm kiểm soát và đẩy lùi được dịch Covid-19. Là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, những người lính mang quân hàm xanh vẫn đang vững bước chân trên những tuyến đường tuần tra dọc theo chiều dài của đất nước.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã sắp xếp, bố trí 5 đợt với hơn 200 cán bộ chiến sĩ để tăng cường hỗ trợ cùng với các lực lượng tỉnh Tây Ninh với mệnh lệnh “Chống dịch như chống giặc”. Xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 sẽ còn lâu dài, những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Bình Thuận luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vất vả, bền bỉ và vững bước trên những tuyến đường tuần tra để giữ vững sự bình yên nơi vùng biên.

Ngọc Diệp