Trồng dưa lưới công nghệ cao: Khởi đầu nông nghiệp hiện đại
Kinh tế - Ngày đăng : 08:53, 17/01/2022
Tiêu thụ ổn định
Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua khiến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Những loại nông sản chủ lực như thanh long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi giá cả trồi sụt, đứt gãy chuỗi cung ứng… Tuy vậy, những tháng cuối năm 2021, khi cả nước áp dụng các biện pháp linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, sự “hồi sinh” trong hoạt động sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp có những bước chuyển mình. Nhất là những trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao, dịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời gian tất bật vì nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao, giá cả tương đối ổn định. Trang trại dưa lưới của anh Nguyễn Huy Hạnh (sinh năm 1991) ở xã Đông Giang, Hàm Thuận Bắc là một ví dụ.
Dịp trước Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại này, khi 1.000 m2 dưa lưới đang vào thời điểm thu hoạch. Với chu kỳ 75 ngày/1 lứa trái, theo hình thức cuốn chiếu, cơ ngơi 2 ha dưa lưới giống LT3 được trồng trong nhà lồng của anh Hạnh cho thu hoạch thường xuyên suốt 2 năm nay. Chủ trang trại và các nhân công đang tranh thủ thời gian cắt trái, đóng thùng từng trái dưa lưới chín mọng cho kịp chuyến xe hàng. Chia sẻ của chủ trang trại, mặc dù giá cả có thấp hơn so với thời điểm trước dịch bệnh, nhưng vẫn có lãi khá. Nếu trước dịch Covid-19, giá bán bình quân mỗi kg dưa lưới là 35.000 đồng, đến nay giảm ở mức trung bình 28.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện mặt hàng này được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.
Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Hạnh không ngần ngại chia sẻ: Nhận thấy điều kiện khí hậu ở vùng đất Đông Giang, Hàm Thuận Bắc giáp với Lâm Đồng, có khí hậu ban ngày nắng, đêm lạnh. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này sẽ làm cho trái cây có độ ngọt cao, độ lưới nét hơn so với vùng khác. Ở đây lại có nguồn lao động dồi dào, là điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lồng, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nên phải chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao, sớm thu hồi vốn, và cây dưa lưới là sự lựa chọn phù hợp.
Để tiết kiệm chi phí đầu tư, sau một thời gian học hỏi, tìm tòi, anh Hạnh đưa ra một mô hình riêng cho mình, với chi phí chỉ khoảng 120 triệu đồng/1.000 m2, bằng một nửa so với giá thị trường… Để giảm tối đa chi phí, chủ trang trại chọn phương pháp trồng dưa lưới trên nền đất, thay vì trồng trên giá thể và nuôi ong để thụ phấn.
Đòn bẩy phát triển 1 trong 3 trụ cột kinh tế
Ngoài mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao vừa “nhen nhóm” trên vùng cao Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), những năm trở lại đây, nhiều địa phương khác đã và đang từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Dấu ấn đậm nét của những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã minh chứng cho tiềm năng sẵn có trên mảnh đất cuối dải miền Trung này. Vùng đất tưởng chừng sa mạc hóa đã được hồi sinh, nhờ mạng lưới thủy lợi, công nghệ, trí tuệ và tâm huyết của những con người có đam mê mãnh liệt với nông nghiệp. Từ mảnh đất khu Lê Hồng Phong (Bắc Bình) nắng cháy, đến vùng đất hạn ven biển Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) đã “mọc” lên ngày càng nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Trang trại Bình An, Trang trại Hồng Hà… với những giống dưa lưới ngọt lịm, thanh long vỏ vàng, nho ngoại quý. Những sản phẩm này đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nên phải chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao, sớm thu hồi vốn, và cây dưa lưới là sự lựa chọn phù hợp - chủ trang trại dưa lưới chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhưng hy vọng trong tương lai không xa, với nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về “Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao” sẽ là đòn bẩy để nông nghiệp trong tỉnh từng bước phát triển hiện đại, bền vững. Bởi kinh tế nông nghiệp được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là 1 trong 3 trụ cột, gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị.
Còn với ông chủ trang trại dưa lưới Nguyễn Huy Hạnh và nhiều trang trại nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, để đạt những thành quả như hôm nay quả thật không đơn giản. Ngoài tiềm lực kinh tế, đó chính là niềm đam mê với nghề nghiệp. Họ luôn mong muốn khởi đầu nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, mang sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Bình Thuận vươn xa.
Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh đến nay, trên địa bàn Bình Thuận có một số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài sản xuất dưa lưới, các trang trại ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… đã và đang sản xuất thanh long ruột trắng, vỏ vàng; nha đam; nho ngoại; măng tây cho hiệu quả cao. Đồng thời, sử dụng các biện pháp cơ giới hóa, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới.