Phát huy vai trò phụ nữ trong thời kỳ hội nhập
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 18/01/2022
Không ngừng sáng tạo
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ. Tiêu biểu là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các chương trình về tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hoạt động bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, nghị quyết liên tịch về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội... Từ đó, tạo cơ hội cho cán bộ, hội viên trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục con cái, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình.
Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ thi đua làm kinh tế giỏi”, thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Nhiều phụ nữ đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển cây trồng có lợi thế đạt năng suất, chất lượng. Đội ngũ lao động nữ đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nâng cao tay nghề, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp nổi bật trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phong trào khởi nghiệp của tỉnh, có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mới đây tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận năm 2020 – 2021”, phụ nữ đã xuất sắc giành 3/15 giải. Trong đó vị trí cao nhất thuộc về chị Hồ Thị Bạch Hoàng - Cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Uyên, xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) với giải pháp “Tương thanh long”. Chị Trần Thị Kim Lĩnh ở Phú Long (Hàm Thuận Bắc) giành giải ba với giải pháp “Nước ép thanh long Bảo Long” và chị Lê Thị Ánh Nguyệt, xã Tân Xuân (Hàm Tân) đạt giải khuyến khích ở giải pháp “Tranh giấy xoắn nghệ thuật”. Các giải thưởng này cho thấy sự sáng tạo, khả năng thích ứng, làm chủ của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn trong quá trình hội nhập, phát triển.
Khẳng định vị trí trong xã hội
Xác định mục tiêu quan trọng nhất của bình đẳng giới là đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, việc xây dựng quy hoạch cán bộ nữ đã được thực hiện theo hướng mở, tạo điều kiện cho nữ cán bộ có cơ hội bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, mạnh dạn bố trí những cán bộ nữ có năng lực vào các vị trí chủ chốt.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp tăng lên. Cụ thể, cấp tỉnh có 8/50 đồng chí (tăng 4% so nhiệm kỳ trước), Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 1/14 đồng chí, đạt tỷ lệ 7,14%, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận có 3 nữ/7 đại biểu (đạt tỷ lệ 42,85%), HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 15 nữ/53 đại biểu (đạt tỷ lệ 28,3%). Có 66 cán bộ chủ chốt là nữ ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Ở các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều có ít nhất 1 lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội được đề bạt, bổ nhiệm đều thể hiện được năng lực, trách nhiệm trong từng vị trí công tác, thể hiện được tiếng nói đại diện chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với phụ nữ.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bước vào thời kỳ hội nhập, với đức tính cần cù, chịu khó, tôn trọng kỷ luật, có nguyên tắc vẫn chưa đủ đáp ứng tốt mà các chị em còn phải rèn luyện ý chí, bản lĩnh, năng động, sáng tạo trong giải quyết công việc hàng ngày. Người phụ nữ cần sống đẹp, sống tốt, có lòng nhân hậu, quan tâm không chỉ đến lợi ích cá nhân mà cả lợi ích của xã hội. Những chuẩn mực đạo đức đó phản ánh tính nhân văn sâu sắc của truyền thống phụ nữ Việt Nam và là những phẩm chất mới của phụ nữ ngày nay “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang”.