2021 – năm đong đầy nỗi khó

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 20/01/2022

BT- Năm 2021 là năm đáng nhớ nhất trong nhiều thập kỷ qua bởi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn thất.
nam.jpg

Đại dịch Covid-19 bắt đầu ở Trung Quốc từ năm 2020 lấy đi nhiều mất mát ở các nước khác trên thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu. Tưởng rằng đại dịch sẽ được ngăn chặn, nhưng bước sang năm 2021 lại xuất hiện biến thể mới. Nổi rõ là biến thể Delta nguy hiểm cướp đi nhiều sinh mạng ở Ấn Độ và các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam với hơn 23.000 người tử vong.

Biến thể “gõ cửa” nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mạnh nhất là khoảng từ tháng 6 - 11 của năm. Trong khoảng thời gian ấy gần như mọi nhà, ngành nghề đóng cửa phòng dịch. Ngành “công nghiệp không khói” tổn thương nặng nề nhất, các ngành nghề khác thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng không ngoại lệ. Đẩy nhiều người có thu nhập thấp vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn khi mất việc làm.

Cái gì đến rồi cũng sẽ qua, biến thể Delta đã được kiểm soát khi có vắc xin ngừa Covid-19, phương cách tốt nhất ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo tiêm đủ cho mọi người để thích ứng với dịch. Cuộc sống bình thường mới dần hé mở, mọi ngành nghề hoạt động trở lại vớt vát phần nào những tổn thất trong năm. Tuy vậy, cũng rất khó khi đầu tư trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt, biến thể mới Omicron tiếp tục xuất hiện ở Nam Phi và lây lan các nước khác. Chính vì thế, các nước vẫn trong tư thế phòng dịch, ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng hóa. Bình Thuận là một trong những tỉnh ảnh hưởng nặng nề khi nông dân “ôm mộng” đầu tư vào cây thanh long bán tết rồi lại “vỡ mộng”.

“Người ta gọi tôi đi làm lại, nhưng thôi ở nhà chăm sóc thanh long bán tết”, Nguyễn Anh Thi – nhân viên của một cơ sở dịch vụ cưới hỏi ở Phan Thiết chia sẻ. Cũng chính Thi cho biết: “Tưởng nghỉ việc ở nhà chăm sóc thanh long bán tết cho thu nhập khá hơn, giờ “mất cả chì lẫn chài”. Chị Ngọc Chi – chủ vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc nhẩm tính lỗ hơn 200 triệu đồng sau khi đổ bỏ hàng tấn thanh long cho cá, bò ăn không hết.

Ông Đinh Kỳ Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 14/12/2021, tổng số xe hàng xuất khẩu tồn trên địa bàn Lạng Sơn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma hàng ngàn xe. Hàng chủ yếu là nông sản gồm thanh long từ miền Nam ra. Ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm, chỉ 300 xe/ngày, bằng 40% mức bình thường khi chưa có dịch. Nguyên nhân do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Có thể nói năm 2021 là năm đáng nhớ với đầy nỗi khó, toàn bộ các mặt của đời sống xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bởi Covid-19. Không ít trang cuối bản báo cáo tổng kết năm của các ban, ngành nêu nguyên nhân không đạt chỉ tiêu như mong muốn do tác động của dịch Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Năm 2021 đang lùi xa, bước sang năm 2022 với nhiều dự đoán có thể là năm Covid-19 “không còn là đại dịch”, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và các thuốc kháng vi rút trở nên phổ biến. Hy vọng gam màu cuộc sống sáng hơn, tạo đà khát vọng vươn lên chữa lành “vết sẹo” Covid-19.

Lê Ninh