Khủng hoảng Ukraine: Mỹ và phương Tây cứng rắn nhưng vẫn để ngỏ giải pháp ngoại giao
Quốc tế - Ngày đăng : 15:13, 20/01/2022
Hôm qua (19/1), trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng như phiên họp toàn thể tại Nghị viện châu Âu, các nước phương Tây đều cảnh báo hậu quả nếu Nga tấn công Ukraine nhưng cũng để ngỏ biện pháp ngoại giao.
Trong khi đó, phía Nga cũng nhấn mạnh, phương Tây cần phải tôn trọng những yêu cầu của nước này về mặt an ninh đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại. Điều này cho thấy cả Nga và phương Tây cùng chờ đợi một giải pháp các bên có thể chấp nhận được.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh châu Âu để đưa ra các "gói trừng phạt" khả thi trong trường hợp Nga vẫn có ý định gây hấn với Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ hy vọng sẽ không phải sử dụng đến biện pháp trừng phạt trong đó bao gồm cả kiểm soát tài chính, kinh tế và xuất khẩu của Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn các hành động gây hấn mới cũng như thúc đẩy đối thoại và hòa bình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine và thống nhất các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga. Từ chối con đường ngoại giao mà chúng tôi đã vạch ra và tiến hành một cuộc tấn công hoặc gây bất ổn ở Ukraine là không thể chấp nhận được", ông Blinken nói.
Về các yêu cầu của Nga, ông Blinken cho rằng, Mỹ có thể đàm phán với Nga để củng cố an ninh của tất cả các bên trên cơ sở có qua, có lại một cách bình đẳng. Trong khi cuộc gặp ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Ukraine đang diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo để nói rằng, phản ứng của Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ phụ thuộc vào quy mô hành động của Nga.
"Nga sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ tấn công Ukraine và điều đó phụ thuộc vào hành động của họ. Nếu chỉ là hành động quân sự trong phạm vi hẹp, chúng tôi sẽ cân nhắc những gì nên làm và không nên làm. Nhưng nó sẽ là một thảm họa với Nga nếu họ tiếp tục tấn công Ukraine. Chúng tôi cùng các đồng minh và đối tác sẵn sàng gây thiệt hại nặng nề và tổn hại đáng kể cho Nga và nền kinh tế Nga", ông Biden nhấn mạnh.
Quan hệ Nga-Ukraine hiện là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự tại nhiều cuộc họp của các nước phương Tây. Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể tại Nghị viện châu Âu (EP) ở thành phố Strasbourg, Pháp trên cương vị đại diện nước chủ tịch luân phiên EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, Pháp và Đức muốn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, thông qua khuôn khổ Normandy mà hai nước này cùng tham gia với Ukraine và Nga.
Ông Emmanuel Macron nói: "Đối với cả chúng tôi và Nga, vì an ninh của lục địa không thể chia cắt, chúng tôi cần cuộc đối thoại đó với Nga. Với tư cách là người châu Âu, chúng ta phải đưa ra các yêu cầu của riêng mình và đặt mình vào vị trí mà có thể đảm bảo Nga được tôn trọng. Một cuộc đối thoại thẳng thắn, đòi hỏi phải đối mặt với các lực lượng gây bất ổn, sự can thiệp và thao túng".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định lại lập trường chung của các nước Liên minh châu Âu (EU) rằng sẽ không để xảy ra tình trạng dùng vũ lực nhằm thay đổi các đường biên giới ở châu Âu.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov, người dẫn đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán an ninh với Mỹ ở Geneva vào tuần trước, tái khẳng định rằng, Nga không có ý định xâm lược Ukraine như phương Tây lo ngại, nhưng nói rằng việc nhận được sự đảm bảo an ninh của phương Tây là cấp thiết đối với Moscow. Tuy nhiên, ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, không thể có bất kỳ cuộc đàm phán đạt kết quả nếu phương Tây không chú ý đến các yêu cầu chính của Nga về việc không mở rộng NATO.
“Chúng tôi nhận thấy mối đe dọa về việc Ukraine ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào NATO mà không cần có tư cách chính thức của một quốc gia thành viên NATO. Đây là điều mà đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảo ngược tình trạng này”, ông Ryabkov lưu ý.
Ông cũng nhấn mạnh, cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Blinken dự kiến diễn ra vào ngày mai (21/1) tại Geneva là “cực kỳ quan trọng”. Có thể thấy dù bế tắc trong vấn đề liên quan đến Ukraine, nhưng cả Nga và phương Tây đều bày tỏ tiếp tục đối thoại. Nghĩa là các bên đều cố gắng tìm biện pháp cùng chấp nhận được./.