Bình Thuận xếp hạng 14 về chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam

Du lịch - Ngày đăng : 15:10, 20/01/2022

BTO- Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố Chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam năm 2021 cho các điểm đến cấp tỉnh (thí điểm), trong đó du lịch Bình Thuận xếp hạng thứ 14 trong số các địa phương phát triển du lịch của cả nước. Dự án này do Liên minh châu Âu tài trợ.
image0-21-.jpeg

Với mục đích hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam có bộ công cụ theo tiêu chí của WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) hỗ trợ cơ quan quản lý du lịch và các tỉnh cũng như hỗ trợ các điểm đến để tăng cường hiệu quả hoạt động của du lịch địa phương, các chỉ số cạnh tranh được khảo sát theo các tiêu chí: Tạo dựng môi trường (kinh doanh, an ninh, sức khỏe, lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin); Chính sách và điều kiện cho du lịch (mức độ ưu tiên cho du lịch, cạnh tranh về giá, tính bền vững về môi trường); Hạ tầng du lịch (giao thông, dịch vụ); Tài nguyên tự nhiên và văn hóa (tự nhiên, văn hóa).

Bên cạnh đó, chỉ số cạnh tranh còn dựa vào nguồn thu thập dữ liệu khảo sát từ: thứ cấp (thống kê lữ hành, lưu trú; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020); các tổ chức (Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch, sở quản lý du lịch các tỉnh, UNESCO, Cục Di sản); internet (booking.com, TripAdvisor, Vietnam.travel, airvisual.com, bản đồ Google); khảo sát (doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển, giải trí...).

Kết quả, với tổng điểm 4.70 Đà Nẵng được xếp hạng 1; từ hạng 2 - 6 là Quảng Ninh (4.68), Khánh Hòa (4.56), Quảng Nam (4.55), Thừa Thiên - Huế (4.52), Hà Nội (4.35); TP.HCM (4.31) hạng 8; Lào Cai (3.97) hạng 13; Bình Thuận (3.85) hạng 14; Cần Thơ (3.83) hạng 15.

Thông qua xếp hạng chỉ số cạnh tranh, du lịch Bình Thuận được đánh giá tốt các nội dung như: việc thực thi pháp luật, tuân thủ tốt các tiêu chuẩn phòng, chống dịch và bảo đảm vệ sinh, nguồn lao động, quy mô hoạt động kinh doanh lưu trú và ăn uống, số giờ nắng trung bình hàng tháng.

Đồng thời, khảo sát cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành du lịch về mức độ ưu tiên của chính quyền cho ngành du lịch, thực thi các quy định về môi trường, lượt người đăng ký sử dụng internet, khả năng tiếp cận qua đường hàng không, mức độ hài lòng với các điểm tham quan, tính hấp dẫn của tài sản văn hóa.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả chỉ số cạnh tranh của 15 tỉnh, thành xếp hạng được so sánh với nhau để tìm ra ưu, nhược điểm trong phát triển du lịch của các trung tâm du lịch lớn cả nước để Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành có hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự bền vững trong phát triển du lịch thời gian đến.

Với riêng Bình Thuận, từ kết quả các nội dung khảo sát và đánh giá của chỉ số cạnh tranh, ngành du lịch sẽ có kế hoạch khắc phục hạn chế, phát huy các lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho “ngành kinh tế mũi nhọn” của tỉnh không chỉ với các địa phương trong cả nước mà còn với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới.

Nguyên Vũ