Giáo viên và những hy sinh thầm lặng trong mùa dịch Covid

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:27, 21/01/2022

BT- Thị xã La Gi, suốt mấy tháng trời là tâm dịch của tỉnh Bình Thuận với số người nhiễm Covid mỗi ngày gần cả trăm ca. Toàn thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 rồi 16+, ai không phận sự chỉ ở yên trong nhà.
hoc-online.jpg
Dạy học trực tuyến. (Ảnh minh họa).

Đội tình nguyện đi chợ giúp dân

Dịch bệnh xảy ra cũng đúng vào dịp nghỉ hè của giáo viên, thay vì ở nhà cho an toàn nhiều thầy cô đã năng nổ, xung kích trong các hoạt động thiện nguyện.

Có giáo viên xung phong vào đội xung kích Shipper xanh Tân An để giúp bà con đi chợ an toàn như thầy giáo Huệ Hồ. Với thông điệp: Bà con cần mua những nhu yếu phẩm, đưa đồ cho người nhà ở bệnh viện, ở khu cách ly tập trung, khu phong tỏa cứ liên hệ với đội Shipper xanh Tân An, hoàn toàn miễn phí! Đồng hành và sẻ chia cùng bà con La Gi suốt mùa dịch này. Vì thế hàng ngày, từ sáng sớm đến đêm tối, thầy cùng với một số đồng nghiệp, anh chị em đoàn thanh niên rong ruổi trên các chặng đường để giúp dân.

Ngay cả khi phải vào khu cách ly tại trường học, 14 ngày ở nơi đó cũng chỉ mình thầy dọn cỏ, dọn rác thải do một số người chưa thực hiện tốt nội quy vứt bừa bãi, rồi tranh thủ phát quang bụi rậm để tạo cho không khí khu cách ly trở nên trong lành hơn.

Lo bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu

Cô giáo M.T. giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ đã cùng với nhiều cựu học sinh Hàm Tân, lặng lẽ quyên góp để mua dụng cụ y tế giúp cho bệnh viện, lo bữa ăn, nước uống cho lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ hàng trăm phần quà đến những gia đình người dân nơi phong tỏa, lo sách vở, bút viết cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày dịch Covid diễn biến bất thường, toàn thị xã huy động người dân không phận sự ở yên trong nhà. Nhiều giáo viên trong đội tình nguyện tham gia giúp ngành y tế thực hiện việc test Covid.

Không kinh nghiệm, không chuyên môn nhưng có sự tìm tòi học hỏi, có lòng tận tụy với công việc, chỉ sau ít ngày tham gia phụ giúp, nhiều giáo viên đã rất thành thạo trong công việc này.

Khi thị xã thực hiện việc test tại nhà thì sự vất vả của những người thực hiện lại tăng lên gấp bội phần. Theo kế hoạch, mỗi ngày một đội test phải đảm nhận hàng trăm người.

Quanh người bịt bùng quần áo bảo hộ, lê bước chân luồn qua từng ngách phố, đến từng nhà trong cái nắng chói chang của mùa hè quả chẳng hề dễ chịu chút nào. Những khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, những giọt mồ hôi chảy tràn trên mặt, thấm đẫm trên người. Tuy thế, nụ cười vẫn luôn nở trên môi đội quân tình nguyện.

Tận tụy vận động học sinh ra lớp

Học sinh phải học trực tuyến. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có điều kiện theo học. Các thầy cô giáo đã lên danh sách, mở cuộc điều tra lý lịch thông qua nhiều kênh thông tin (từ giáo viên chủ nhiệm cũ, từ phụ huynh của lớp, rồi khu phố trưởng đến các cán bộ ủy ban) để phân loại, lên kế hoạch giúp đỡ.

Có thầy cô giáo đã phải dạy tăng tiết, tăng buổi (dạy miễn phí), dạy bất cứ giờ nào phụ huynh rảnh để tăng cơ hội tham gia học tập cho các em. Có những thầy cô lặn lội vào tận rẫy, vào tận rừng vận động học sinh ra lớp và sẵn sàng dạy kèm tuần vài buổi với mong muốn những học sinh này không phải ở lại phía sau.

Cùng lúc áp dụng nhiều hình thức dạy học như trực tuyến đại trà cả lớp, dạy zalo riêng từng em một, dạy trực tiếp (một vài em), gửi bài qua zalo, in bài đưa tận nhà… Các thầy cô cứ quay cuồng với công việc suốt ngày.

Kết nối với nhà hảo tâm

Dịch bệnh hoành hành, kinh tế người dân gặp vô vàn khó khăn. Có những gia đình không thể mua cho con một thiết bị học tập. Nhiều thầy cô giáo đã chung tay gom góp tiền mua điện thoại tặng học sinh khó khăn.

Nhiều thầy cô đã kết nối với những nhà hảo tâm giúp đỡ các em từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và những chiếc máy điện thoại để học hành.

Cô M. T chia sẻ thêm: Khi nhà trường tổ chức dạy online, vào danh sách học sinh tham gia học, thấy có một số học sinh không học hoặc tiết học tiết không. Qua tìm hiểu được biết, các em không có phương tiện học tập. Gia đình các em thuộc hộ nghèo, khó khăn tôi đã kêu gọi mọi người giúp đỡ. Chỉ trong vòng 2 ngày đã có được 5 chiếc điện thoại trao đến tay các em học sinh.

Khi liên hệ với cô giáo M.T, cô đề nghị đừng nêu danh tính vì cô nói mình chỉ là một trong nhóm cựu học sinh Hàm Tân trao quà của nhóm đến các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Có nhiều bạn trong nhóm hoạt động rất sôi nổi, nhiệt tình.

Cô chỉ mong những việc làm nho nhỏ sẽ được lan tỏa để có nhiều người giúp đỡ học sinh nghèo khó có được phương tiện học tập, giúp cho việc học của các em không bị gián đoạn trong mùa dịch bệnh này.

Phan Tuyết