Hết lễ hết nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 21/01/2022

BT- Những ngày cuối năm bận bịu, lo toan đủ chuyện, nhưng ai cũng mong ngóng tết về để được sum họp gia đình, nhất là những người xa quê như Thảo.

Lấy chồng xa, một năm được vài ngày phép phải để dành cho ngày giỗ quẩy bên chồng phụ giúp công chuyện, rồi con cái bệnh đau, thành ra chỉ dịp tết mới có thời gian về quê thăm ba mẹ. Vả lại hai vợ chồng mới ra riêng, kinh tế còn khó khăn nên cũng hạn chế tiêu xài. Đợt tết dương lịch được nghỉ ba ngày dù nhớ nhà lắm nhưng Thảo không dám về thăm bởi chi phí xe cộ, rồi quà cáp tốn kém quá nên ráng chờ tới tết âm lịch. Nhiều khi nhớ nhà chỉ biết nuốt nỗi buồn không dám kể với chồng.

phatgiao-org-vn-ve-que-an-tet1.jpg
Ảnh minh họa.

Ở quê chồng, Thảo ít giao tiếp xóm làng, đi làm về chỉ loay hoay công việc trong nhà không tụ họp bạn bè, thành ra khi buồn cũng chẳng biết tâm sự cùng ai, chỉ biết gọi về cho gia đình. Cũng may mấy năm gần đây công nghệ phát triển, khi rảnh gọi video nói chuyện với ba mẹ, chị em cũng đỡ nhớ. Có lợi thì cũng có hại, chẳng có cái gì hoàn hảo mười phần. Gọi điện thấy mặt, thấy nhà thì cảm giác như đang ở nhà, nhưng nhiều khi thấy đại gia đình quây quần cuối tuần nấu ăn nấu uống lại tủi phận mình nơi xa cô độc. Thèm được tụ họp, ríu rít tiếu lâm rồi cười sằng sặc. Thành ra Thảo mong tết dữ lắm dù tết thì bao nỗi lo toan, nhất là chuyện tiền bạc sắm sửa đồ đạc rồi cho nội, cho ngoại.

Chồng Thảo là người hiểu chuyện nên ra quy ước nội - ngoại cho bằng nhau, khỏi ganh tị nói ra nói vào. Những tưởng giải quyết vậy là hợp lý lắm rồi ai dè lại làm Thảo khó xử mỗi lần về ngoại. Nhà năm chị em gái, đa số lấy chồng xa chỉ chị hai và em năm lấy chồng gần. Tết về, ai cũng dúi cho mẹ kha khá tiền bảo là dành dụm cho chứ chồng không biết đâu. Tới lượt Thảo, phong bì cho ông bà ngoại chỉ được người triệu bạc, mấy chị em trề môi biểu cả năm mới về một lần mà sao cho ít vậy? Thảo không biết giải thích sao. Hai vợ chồng cô tài chính công khai, hàng tháng lương lãnh về đều giao cho Thảo nhưng chi tiêu thế nào được ghi vào sổ, các khoản có định mức hết khó mà xén bớt để dành. Vả lại bên nội cho sao thì cho ngoại như vậy sao Thảo có thể lấy cho thêm dù có dư dả?

Mấy chị em bảo sao khờ vậy chồng Thảo chắc gì không có quỹ đen? Nắm tài chính gia đình mà chi chút ít còn không được thì mai mốt ba mẹ bệnh đau sao lo được gì? Nghe vậy Thảo chỉ biết ngậm tăm. Người ta hay nói con gái là con người ta, theo chồng rồi chỉ biết lo gia đình chồng, nghĩ kỹ đúng quá chừng. Từ hồi lấy chồng tới giờ Thảo chưa lo được gì cho ba mẹ, công sinh thành, dưỡng dục mấy chục năm chưa báo hiếu được là bao, càng nghĩ càng buồn.

Bữa gọi điện cho nhỏ em, nó khoe tết này dành dụm được ít rồi, mấy chị em góp vào qua tết sửa nhà cho ba mẹ, nhà xây lâu giờ xuống cấp lắm, rồi nó tính chi phí chia bình quân ra cho năm chị em, Thảo nghe con số mà hoảng hồn. Năm nay dịch bệnh ngành du lịch điêu đứng, công ty Thảo phải cắt giảm nhân sự khá nhiều, may mắn không có cô trong số đó. Không có du khách về, công ty cho nghỉ cả bốn tháng trời không lương, gánh nặng gia đình đè hết lên vai chồng. Vừa đi làm vài tháng thì tết tới, cuối năm phải lo trả bớt khoản nợ xây nhà cho người ta, rồi lo tết nhất, thắt lưng buộc bụng không dám chi tiêu nhiều.

Giải thích cho em mong nhận được cảm thông thì nhỏ em rần rần lên rằng ba mẹ nuôi ăn học tốn bao nhiêu tiền, giờ lo lại cho ba mẹ có xíu mà nói này nói kia, uổng công ba mẹ thương chị nhất nhà. Thảo chỉ biết nín thinh nghe không dám ý kiến gì thêm. Sau cuộc điện thoại chỉ biết tìm góc khuất khóc một mình không dám cho chồng biết. Tủi phận mình ai biểu nghèo khó chi cho anh em người ta khinh. Giàu có sanh lễ nghĩa, nghèo khó hết lễ hết nghĩa, người xưa nói quả không sai mà!

Trúc Vy