Điện mặt trời mái nhà: Mùa kinh doanh thất bát

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 24/01/2022

BT- Với việc kinh doanh ĐMTMN trong năm 2021 chồng chất khó khăn chủ quan lẫn khách quan, chứ không đơn giản như ban đầu các nhà đầu tư nghĩ sự thuận lợi trong bán được ánh nắng trời cho.
nha-dan-2_phan-thiet.jpg

Mất tiền theo tuần

Đọc lịch tuần từ ngày 17- 23/1 với kế hoạch giảm công suất huy động ở từng dự án, công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) mà Điện lực Hàm Thuận Bắc gửi qua điện thoại, một số chủ đầu tư dưới 1MW trên địa bàn huyện đều có cùng phản ứng. Hầu hết than phiền rằng năm qua dịch bệnh khiến bao nhà máy, công ty đình đốn sản xuất kinh doanh nên nhu cầu sử dụng điện không nhiều, thành ra điện mặt trời bị cắt giảm nhiều. Có thời điểm bị cắt giảm đến 4 lần/tuần, tức 4 ngày/tuần nhưng cũng gắng chịu được. Còn bây giờ, dịch bệnh dần lui nhưng trong tháng 1, tần suất bị cắt giảm phát điện vẫn tiếp tục, cứ như đẩy sức chịu đựng của các nhà đầu tư điện mặt trời này tới tận cùng.

Trong tuần trên, với lịch cắt 1-2 ngày phân rải tại từng dự án, chủ đầu tư cho thấy dự án nào có công suất phát khoảng 500kW sẽ mất 10 triệu đồng. Tương tự, có công suất phát gần 1.000kW thì số tiền mất vì cắt giảm công suất phát điện lên lưới sẽ nhân đôi, tức 20 triệu đồng. Đã thế, lại kéo qua nhiều tuần, khiến chủ đầu tư tính ra được số tiền cụ thể rất lớn bị mất mà xót của. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng cả gốc lẫn lãi thì đều phải trả hàng tháng, đã tạo ra cuộc co kéo căng thẳng.

Chủ đầu tư một công trình ĐMTMN có công suất lắp đặt 500Kwp tại huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ, tổng vốn đầu tư công trình trên hơn 7 tỷ đồng, trong đó phần lớn vay ngân hàng. Những tháng đầu, với 500Kwp được phát hết lên lưới, thu về từ 130 - 150 triệu đồng/tháng, ông mừng vì đúng kế hoạch thu hồi vốn đặt ra trong 7-10 năm. Nhưng từ tháng 9 trở đi, tiền điện thu về ít dần như tháng 9 chỉ còn 115 triệu đồng, sang tháng 11 xuống tiếp còn 89 triệu đồng và tháng 12 là 92 triệu đồng. Điều ông quan tâm bên cạnh nỗi lo không đủ tiền trả ngân hàng hàng tháng là đến bao giờ chấm dứt cảnh cắt giảm phát công suất, khi trước mắt những ngày tết đến nơi, báo hiệu sự cắt giảm sẽ còn trầm trọng hơn.

Quy luật kinh doanh

Đó cũng là nỗi lo chung của các nhà đầu tư ĐMTMN đấu nối trung thế trên địa bàn tỉnh, tức có trạm riêng đấu nối lên đường dây trung thế để bán điện của ngành điện. Theo Công ty Điện lực Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có hơn 290.472Kwp công suất ĐMTMN đấu nối trung thế của 421 khách hàng rải đều ở các huyện, thị xã, thành phố. Nhưng nơi có công suất cao thuộc về Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Trong thời gian qua, ảnh hưởng dịch bệnh rồi tiếp nối thời gian nghỉ tết sắp tới nên bị thừa nguồn điện và hệ thống truyền tải bị ảnh hưởng. Do đó, chủ đầu tư ĐMTMN ở nhiều tỉnh, thành đều bị cắt giảm công suất phát, chứ không riêng gì Bình Thuận.

Cũng theo chia sẻ của Công ty Điện lực Bình Thuận, hàng tuần Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia công bố công suất huy động của nguồn ĐMTMN đến các Tổng công ty Điện lực về thời gian và con số công suất huy động tối đa theo bức xạ của ĐMTMN cũng như yêu cầu chỉ đạo các Công ty Điện lực nghiêm túc thực hiện. Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam gửi bảng phân bổ công suất huy động nguồn ĐMTMN đến các Công ty Điện lực thành viên, trong đó có Công ty Điện lực Bình Thuận. Dựa vào con số công suất huy động được giao này, Công ty Điện lực Bình Thuận yêu cầu các Điện lực trực thuộc sẵn sàng nguồn lực để thực hiện không huy động công suất ĐMTMN theo phân bổ công suất không hấp thụ được nhằm tránh quá tải lưới điện.

Để cắt giảm công suất một cách công bằng minh bạch, các chi nhánh điện lực ở các huyện, thành phố phải thông báo đến chủ đầu tư các dự án theo lịch tuần cụ thể vào ngày nào, giờ nào sẽ bị giảm công suất. Việc cắt giảm này thực hiện thủ công, nhân viên phải đến từng nhà, từng dự án nên không chỉ chủ đầu tư không hài lòng, vì mất tiền, xót của mà nhân viên ngành điện cũng không thích, vì quá nhọc.

Vẫn biết kinh doanh thì kèm rủi ro. Với việc kinh doanh ĐMTMN trong năm 2021 chồng chất khó khăn chủ quan lẫn khách quan, chứ không đơn giản như ban đầu các nhà đầu tư nghĩ sự thuận lợi trong bán được ánh nắng trời cho. Ngay cả điểm đặc thù của ĐMT cũng thành thế yếu, khi giờ nắng tốt, công suất phát tốt thì rơi vào ban trưa mà thời gian này nhu cầu sử dụng điện lại không cao nên ngành điện phải cắt giảm công suất phát để bảo đảm an toàn cho hệ thống truyền tải. Ngược lại, vào chiều tối nhu cầu sử dụng điện tăng cao thì ĐMT không thể phát. Việc tích lũy nguồn năng lượng để cân đối quỹ thời gian trên cũng không dễ, ngay cả các dự án ĐMT mặt đất rộng vài chục ha cũng chưa đủ sức thực hiện nên càng mơ hồ với ĐMTMN chỉ có 1MW. Đã vậy, thêm những trở ngại khách quan từ dịch bệnh… làm trầm trọng hơn những khó khăn với chủ đầu tư ĐMTMN. Nhưng nếu so với các ngành nghề khác như sản xuất, kinh doanh thanh long chẳng hạn thì kinh doanh ĐMTMN thấy rõ thuận lợi tức thì, khi nền kinh tế chung phục hồi tốt sau tết và việc cắt giảm công suất phát sẽ không còn như thời gian qua.

Trong khi ĐMTMN đấu nối trung thế bị cắt giảm công suất phát lên lưới thì ĐMTMN đấu nối hạ thế do chính hộ dân đầu tư sử dụng thì không cắt giảm. Hiện toàn tỉnh có đến 2.485 hộ dân đã đầu tư ĐMTMN đấu nối hạ thế với tổng công suất hơn hơn 39.767Kwp nên đã góp phần giúp ngành điện giảm tải các trạm biến áp phân phối, đặc biệt trong mùa nắng nóng sắp tới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao.

Hảo Chi