Bữa cơm tết Việt thắm đượm hồn Chăm

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:35, 24/01/2022

BT- Chuẩn bị đón xuân, nhiều nhà thay mới “ông” lò, vệ sinh, sửa soạn lại bếp núc, đợi 0 giờ 23 tháng chạp trang trọng trà nước, hoa quả cúng tiễn ông Táo về trời.
z3131908806511_5389f451aa1d340fbccb4ed5d5227552.jpg
Phụ nữ Chăm luôn gửi gắm tâm hồn trong từng sản phẩm lò nung. Ảnh: Tam Mỹ

Dù đã xa quê hơn 40 năm, nhưng vào những ngày này, anh Lê Minh Khôi không thể nào quên được cảm xúc trân trọng và thiêng liêng lúc mới lên mười khi mang “ông” lò hỏng đi “gửi” để thay cái mới. “Năm nào tôi cũng làm việc đó và mỗi lần như vậy, tôi luôn được ông tôi dặn: Con tìm nơi nào sạch và có gốc cây để “ông” nằm cho mát. Và nhớ khấn thầm: Con xin gửi “ông” nghỉ ở đây!”, anh Khôi nhớ lại. Lò hỏng được thay bằng lò mới, có gia đình còn trân trọng hơn khi dán lên mỗi lò một tấm giấy “vàng bạc”. “Tết – người mặc áo mới; lò cũng vậy. Đó là cách gia đình tôi cũng như bao gia đình khác tri ân đất trời, tri ân những gì đã mang lại “cơm no áo ấm” – một nét văn hóa đậm nhân văn”, Lê Minh Khôi trầm ngâm hồi tưởng.

Những ngày đó chưa có bếp gas, bếp điện, hầu như nhà nào cũng dùng bếp than và bếp củi. Ở khu vực phía bắc tỉnh Bình Thuận, lò đất nung do người Chăm làm hiện diện trong từng bếp ăn gia đình.

Khác với lò ở miền Tây, miền Đông Nam bộ thường to, dày và nặng, lò của người Chăm mỏng, nhẹ hơn nhiều nên rất ít tốn sét.

Đầu tháng chạp, khi việc thu hoạch mùa vụ đã kết thúc, nhiều gia đình có nghề lò Chăm truyền thống ở xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) lại tất bật. Họ lấy sét cách khu dân cư khoảng 20 km về và bắt đầu nhào nặn; lên rừng vặt lá cây thị vò lấy nước màu tím than, vẩy lên lò tạo hoa văn. Nhà chị Thông Thị Tuyết Sương là một trong những gia đình còn giữ nghề cho đến tận bây giờ. Chị bật mí: “Cái hay của lò Chăm là người ta trộn một tỷ lệ cát nhất định vào sét. Cát làm cho lò chắc chắn hơn, chịu được sức nặng của cái nồi khi đun, nấu”. Cứ 5 ngày nung một lần, làm đến đâu bán đến đó, bán chạy nhất là gần đến ngày “đưa ông Táo về trời”. Chị Sương còn cho biết, bây giờ xã Phan Hiệp còn khoảng 50 gia đình giữ được nghề. Mỗi ngày bán được khoảng trên 1.000 sản phẩm cho các xã trong tỉnh và đưa đi cả Đồng Nai, Bình Dương. Dù số lượng không còn như trước, nhưng làng nghề vẫn đỏ lửa. Họ gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào trong từng sản phẩm. Đó cũng là cách thưởng xuân của người Chăm.

Một trong những điều quan trọng của tết Việt là bữa ăn. Bữa ăn đoàn tụ; bữa ăn đầy ắp tình yêu thương và ngập tràn niềm tin. Bao thế hệ qua, bao cái tết, bao bữa ăn Việt mỗi độ xuân về luôn thấm đẫm văn hóa Chăm qua một vật dụng không thể thiếu của bếp là chiếc lò …

CHÂU HẢI PHÚ