Xuân về trên những xã nông thôn mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 25/01/2022

BT- Năm nay, Bình Thuận có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là: Bình An, Hồng Liêm, Hàm Thạnh, Gia An, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 69/93 xã. Trong bức tranh nhiều màu sắc của mùa xuân mới, các xã NTM khắp nơi chan hòa niềm vui chung là bộ mặt nông thôn ngày càng “thay da, đổi thịt”.
sen.jpg
Trồng lúa và sen ở Bắc Bình.

Đi trên các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên khang trang… mới cảm nhận hết sự thay đổi của làng quê. Sự đổi thay ấy khiến cho không khí xuân trở nên rộn rã, người người, nhà nhà nô nức sửa sang nhà cửa, treo cờ Tổ quốc để đón Tết Nguyên đán. Niềm vui đón tết của nhân dân xã Bình An (Bắc Bình) như nhân đôi khi xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Đây là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và người dân. Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM, đặc biệt là thu nhập của người dân. Điều này đã tác động đến một số tiêu chí động là thu nhập và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên chặng đường “về đích”. Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt chủ động vừa tuân thủ nghiêm phòng chống dịch, sự đồng lòng của chính quyền người dân nên cuối năm 2021 tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92,14%, vượt so yêu cầu đề ra.

Theo UBND xã Bình An, tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM trên 63,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 4,2 tỷ đồng, chiếm 6,6%. Các tuyến đường xã, liên xã từ trung tâm xã đến huyện đều nhựa hóa 100%, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Đường thôn xóm, nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa. Người dân 5 thôn của xã đều có nhà văn hóa tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, có khu thể thao để thanh thiếu niên vui chơi, rèn luyện sức khỏe… Sự đổi thay từ hạ tầng cơ sở đến đời sống tinh thần đã khẳng định nông thôn ngày càng mới hơn từ khi bắt tay vào xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Trung Hoài – Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: “Nhờ khai thác hiệu quả nguồn nước từ hồ Cà Giây, xã Bình An đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng 3 vụ sản xuất trong năm với các cây trồng chủ lực lúa, bắp… Nhiều giống lúa mới đưa vào trồng: ST 24, OM 84, OM406 đã giúp nông dân tăng năng suất, cải thiện thu nhập. Đối với một số diện tích đất hoa màu, đất lúa 1 vụ bấp bênh thì chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao…

Còn tại xã Hồng Liêm, Hàm Thạnh kết quả nổi bật trong xây dựng NTM ở thu nhập của người dân cải thiện rõ rệt ở mức khá cao. Theo chia sẻ của các địa phương, bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, xác định cùng với đầu tư cho các tiêu chí về hạ tầng, giao thông tạo nên bộ mặt khang trang của xã thì phát triển sản xuất luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Bởi, yếu tố này không những nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, mà còn tạo nguồn lực để các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021 xã Hồng Liêm thu nhập bình quân đầu người đạt 48,05 triệu đồng/người/năm; xã Hàm Thạnh đạt 47,3 triệu đồng/ người/năm. 2 xã đều phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững… “Cuộc sống của bà con giờ đây khác xưa nhiều lắm. Nhờ có chương trình xây dựng NTM, chúng tôi không phải đi trên những con đường lầy lội nữa, cơ sở trường lớp khang trang, sạch đẹp, đời sống của bà con khởi sắc hơn rất nhiều…”, một người dân thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh chia sẻ.

Một mùa xuân mới lại về, hứa hẹn đổi thay cho các địa phương đã cán đích NTM và đang trên đường xây dựng NTM, đánh dấu sự nỗ lực và chuyển mình của những vùng quê. Hơn thế, đó là niềm phấn khởi, tự hào của chính quyền và người dân khi cùng chung sức, chung lòng làm nên sự đổi thay cho quê hương.

T.Duyên