Nông sản xuất khẩu: Nỗi lo… dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Kinh tế - Ngày đăng : 08:27, 10/11/2017
Chăm sóc thanh long theo chuẩn VietGAP. Ảnh: N.Lân |
Biết rồi, khổ lắm… nói mãi
Trong xuất khẩu trái thanh long, Bình Thuận đã có một số câu chuyện hàng trả về, vì sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Nhưng có lẽ câu chuyện sau khiến người ta nhớ miết, vì chính chủ doanh nghiệp đã ý thức rất rõ những yêu cầu, điều kiện khắt khe của đối tác nên rất cẩn thận từng công đoạn nhưng vẫn gặp sự cố. Một doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long tại Hàm Thuận Nam đã từng vò đầu bứt tóc, khi đối tác thông báo lô hàng bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì không biết kẽ hở từ đâu. Bởi thực tế, các khâu đều kiểm soát chặt chẽ. Bởi hàng xuất đi, lựa chọn mua từ những nhà vườn sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, không thể nào có dư lượng thuốc bảo vệ vượt ngưỡng được. Thế nhưng, khi truy tìm nguyên nhân đến cùng thì phát hiện ra, thanh long bị vượt ngưỡng dư lượng thuốc lấy từ một nhà vườn. Chủ vườn chối, nghi ngờ rằng hôm trước khi thu hoạch, vườn nhà hàng xóm phun thuốc trị nấm, bay qua vườn của ông. Nhưng những người khác lại xì xào cho rằng chủ vườn này đã lén phun thuốc ngoài quy định của sản xuất VietGAP để cho trái đẹp, thu được nhiều tiền. Nói chung, không biết được nguyên nhân cụ thể nhưng hậu quả thì rất rõ: chủ doanh nghiệp mới chập chững vào nghề đã suýt phá sản. Tất nhiên, các hộ dân sản xuất thanh long tử tế theo chuẩn VietGAP bán hàng cho doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng nợ nần dây chuyền.
Dù các ngành chức năng ở tỉnh vận động, tuyên truyền, ngăn chặn nhưng hình như kết quả không như mong muốn. Không biết đó có phải là lý do khiến thanh long Bình Thuận tụt lại, trong khi Long An, địa phương phát triển thanh long sau và có diện tích không lớn bằng lại có những lô hàng đầu tiên xuất qua Úc trong tháng 9 rồi. Ngành chức năng của tỉnh này nhấn mạnh: Để thanh long xuất khẩu được vào Úc, đòi hỏi trái cây nhập khẩu phải từ một nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà họ yêu cầu. Và thành quả đó, theo Cục Bảo vệ thực vật, phải mất gần 9 năm trong đàm phán, thống nhất những tiêu chí liên quan đến kiểm dịch, dư lượng các chất có trong thuốc bảo vệ thực vật mới có được.
2 năm và 9 năm
Thực tế cho thấy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là nỗi sợ của hàng nông sản xuất khẩu, là quyết định kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng hay giảm. Mới đầu tháng 11 này, trong hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam”, Bộ NN&PTNT công bố tin đáng lo. Đó là từ đầu năm đến nay, ngành đã nhận được 45 thông báo, trong đó có 35 thông báo liên quan đến việc các nước điều chỉnh những tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong nông sản. Nghĩa là, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đối diện ngày càng nhiều với những rào cản kỹ thuật từ các thị trường.
Để một loại trái cây nào đó của Việt Nam xuất sang nước khác, theo ngành chức năng, nhanh thì 2 năm, còn chậm phải cần đến 9 năm. Đó là một khoản thời gian dài, nên rất cần chính quyền, nông dân và doanh nghiệp sát cánh nhau. Với doanh nghiệp, đơn vị đã nắm biết yêu cầu sản phẩm đối tác yêu cầu, phổ biến lại để cùng chính quyền, người dân vùng chuyên canh thực hiện. Thực tế, đó là cả một quy trình từ tổ chức tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên thanh long. Tiếp đến, thực hiện các bước sản xuất theo quy trình sạch, rồi xây dựng thương hiệu hàng hóa, tổ chức quản lý theo mô hình hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ, xem xét cả việc thu mua bảo quản... Dù muộn, thanh long Bình Thuận nên được xới lại theo hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường cần như trên để phát triển bền vững.
Bích NghỊ